Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết Ấn Độ vừa tuyên bố tăng thuế đối với 30 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây, hóa chất, kim loại và mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 21-6 tới. Đây được xem như động thái đáp trả biện pháp trừng phạt thương mại trị giá 241 triệu đô mà Mỹ áp lên mặt hàng nhôm và thép của Ấn Độ hồi tháng 3-2018.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đang ngày càng leo thang. Ba đối tác lớn của Mỹ là EU, Mexico và Canada đã chỉ trích gay gắt quyết định áp thuế lên nhôm, thép và có những phản ứng mạnh mẽ đáp lại.
Hồi tuần trước, Trung Quốc (TQ) cũng cáo buộc Mỹ đã bắn phát súng đầu tiên khơi mào chiến tranh thương mại với nước này khi áp thuế 25% với hàng hóa TQ. Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 6-7. TQ đe dọa sẽ trả đũa bằng cách tăng thuế dầu mỏ của Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và TQ diễn ra trong bối cảnh quan trọng của thị trường dầu mỏ. Một năm rưỡi kể từ khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga tự nguyện cắt giảm nguồn cung, thị trường dầu mỏ đang thắt chặt với giá dầu bị đẩy lên. Với khả năng Mỹ giảm xuất khẩu dầu sang TQ, OPEC và Nga sẽ là những nước hưởng lợi bằng việc kiềm chế nguồn cung và tăng xuất khẩu.
Iran cũng có lợi trong cuộc chiến này. “TQ không dễ bị đe dọa từ các lệnh cấm vận của Mỹ. Khả năng cao họ sẽ thay thế dầu của Mỹ bằng dầu thô từ Iran. Với chính sách của ông Trump, chúng ta đang ở trong một thế giới mà các liên minh đang dần sắp xếp lại”, trích lời ông John Driscoll, Giám đốc dịch vụ năng lượng JTD.
Dữ liệu vận chuyển Thomson Reuters Eikon chỉ ra rằng các chuyến hàng dầu thô từ Mỹ sang TQ đã tăng vọt giá trị, từ 100 triệu USD/tháng hồi đầu năm 2017 lên tới gần 1 tỉ USD/tháng thời gian gần đây.
Không khó hình dung bóng ma chiến tranh thương mại mà Mỹ tạo ra đang đe dọa người tiêu dùng, các công ty và nền kinh tế toàn cầu. Mỹ sẽ phải cân nhắc hơn khi đưa ra tuyên bố trong cuộc chơi đầy mạo hiểm này.