Saudi Arabia tước quốc tịch con trai Osama bin Laden

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 1-3 thông báo nước này đã tước quyền công dân của Hamza bin Laden, con trai trùm khủng bố Osama bin Laden, theo Independent.

Theo thông cáo, quyết định được đưa ra theo sắc lệnh của hoàng gia Saudi Arabia từ tháng 11-2018. Động thái được tiến hành chỉ một ngày sau khi chính quyền Mỹ treo thưởng lên tới một triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt Hamza.

Hamza bin Laden. Ảnh: AP

Hamza được cho là 30 tuổi và bị Mỹ liệt vào danh sách phần tử khủng bố toàn cầu từ năm 2017. Hamza đang nổi lên như một thủ lĩnh mới của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Hiện chính xác nơi ẩn náu của con trai trùm khủng bố Osama bin Laden ở đâu trong nhiều năm qua vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, có một số báo cáo cho rằng Hamza đang trú ẩn ở Pakistan, Afghanistan, Syria hoặc ở Iran.

Hamza gần đây nhiều lần kêu gọi người ủng hộ trả thù cho cái chết của cha mình bằng cách tấn công Mỹ và các đồng minh phương Tây thông qua các đoạn video và ghi âm được phát tán trên Internet.

Hamza cũng đe dọa tấn công các công dân Mỹ ở nước ngoài và kêu gọi các bộ tộc Saudi đoàn kết với chi nhánh al-Qaeda ở Yemen để chống lại Saudi Arabia.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Hamza đã kết hôn với con gái của Mohammed Atta, kẻ từng cướp một trong bốn máy bay thương mại để lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York năm 2001.

Những lá thư của Osama bin Laden tại dinh cơ cho thấy Osama đã đào tạo Hamza để thay thế y lãnh đạo al-Qaeda. Hamza được tin là từng sống nhiều năm với mẹ ở Iran, cũng là nơi Hamza tổ chức đám cưới, trong khi các báo cáo cho hay Hamza có thể từng sống ở Pakistan, Afghanistan hoặc Syria. Vì vậy, chưa rõ liệu Hamza có mang quốc tịch khác hay không.

Năm 2011, lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden tại dinh cơ ở Abbottabad, Pakistan, 10 năm sau khi trùm khủng bố tiến hành các vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 làm gần 3.000 người thiệt mạng.

Kể từ khi thành lập ở Saudi Arabia năm 1988, sự hiện diện và ảnh hưởng của al-Qaeda đã lan rộng đáng kể. Nhóm khủng bố này đã thiết lập nhiều chi nhanh với các nhóm vũ trang ở nhiều lục địa và thực hiện hàng chục vụ tấn công.

Al-Qaeda bị hàng chục quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Những năm gần đây, al-Qaeda bị lu mờ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thu hút sự chú ý toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm