Ngày 16-9, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia gọi vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của mình là một hành động gây hấn và phá hoại chưa có tiền lệ, một tội ác to lớn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định nước này có khả năng đối phó.
Saudi Arabia cho biết đã mời các chuyên gia LHQ và quốc tế đánh giá hiện trường và điều tra vụ việc. Riyadh cho biết kết quả điều tra ban đầu cho thấy vũ khí Iran được sử dụng trong vụ tấn công này. Liên quân Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu nói địa điểm vũ khí được phóng đi không phải từ Yemen.
Ngày 16-9, ông Martin Griffiths - Đặc phái viên LHQ tại Yemen báo cáo lên Hội đồng Bảo an LHQ rằng vẫn “chưa hoàn toàn rõ” ai đứng đằng sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia cuối tuần rồi. Tuy nhiên, theo ông Griffiths, vụ việc làm gia tăng rủi ro xung đột trong khu vực.
Nhà máy lọc dầu Abqaiq ở phía đông Saudi Arabia ngập trong lửa sau vụ tấn công ngày 14-9. Ảnh: REUTERS
Dù nhiều quan chức cấp cao Mỹ - Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper - quy kết trách nhiệm cho Iran nhưng đến lúc này Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kiềm chế không chính thức cáo buộc Iran, mà chỉ nói có khả năng.
Ngày 16-9, ông Trump nói “có vẻ” chịu trách nhiệm trong vụ này nhưng chưa lên phương án trả đũa đến khi có “bằng chứng chắc chắn” cho thấy Iran là thủ phạm. Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng nói “đang chờ sự thẩm tra” từ phía Saudi Arabia rằng “họ tin ai gây ra vụ tấn công”. Saudi Arabia đến lúc này vẫn chưa chính thức quy kết bên nào đứng sau vụ tấn công này.
Bộ Ngoại giao Nga cũng phản đối việc Iran bị cáo buộc là thủ phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin không bỏ qua cơ hội chào mời vũ khí Nga với Saudi Arabia. Ông Putin đề nghị chính phủ Saudi Arabia nên có quyết định khôn ngoan - như các lãnh đạo Iran đã có khi quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Ông Putin đảm bảo các hệ thống vũ khí này của Nga sẽ bảo vệ mọi cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công ngày 14-9. Ảnh: WSJ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc quy kết thủ phạm trong khi chưa có kết luận điều tra là vô trách nhiệm. Trung Quốc cũng cho biết quan điểm của mình là phản đối mọi bước đi mở rộng và tăng cường xung đột.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng việc hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công là sự trả đũa của người dân Yemen với việc Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Ả Rập can thiệp quân sự vào Yemen.