Sáng 26-11, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM gồm Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cùng các ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM và ông Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 5.
Quan tâm đến chống tham nhũng, cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) cho rằng chống tham nhũng phải chỉ được mặt, loại bỏ được cán bộ tham nhũng dân mới tin. Ông Hà cũng cho rằng cần phải huy động nhân dân cùng phát hiện, diệt trừ tham nhũng với Đảng, Nhà nước. Muốn thế phải có các hình thức khen thưởng cụ thể để phát huy được tinh thần dũng cảm, dám tố giác cán bộ lộng quyền, tham nhũng.
“Nhân dân không chấp nhận tình trạng thanh tra, kiểm tra bất cứ cơ quan nhà nước nào là lòi ra sai phạm của cán bộ ở đó” - ông Hà nói và cho rằng nên tạm đình chỉ chức vụ đối với các cán bộ đang bị thanh tra, hoặc khi bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có những vi phạm pháp luật.
Tại buổi tiếp xúc, bà Võ Thị Thanh Liêm (cử tri phường 10) đặt nhiều băn khoăn liên quan đến công cuộc chống tham nhũng và công tác cán bộ.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đang trả lời cử tri quận 5, TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM
Theo bà Liêm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Từ đó, bà Liêm đặt vấn đề việc xử lý kỷ luật này tới đây sẽ như thế nào.
Chia sẻ với cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng khi xử lý cán bộ, nhất là những cán bộ lãnh đạo có chức vụ cao cần phải có quy trình, đúng quy định.
“Ví dụ, muốn khởi tố ĐBQH thì phải xin ý kiến QH, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH nếu không diễn ra trong kỳ họp QH. ĐBQH có ba quyền bất khả xâm phạm: Một là khởi tố, hai là bắt tạm giam và ba là khám xét nơi ở, nhà riêng thì phải xin phép chứ không phải muốn là đụng vào được vì luật đã quy định” - ông Trí nói.
Ông Trí cho hay có những cán bộ qua thanh tra, kiểm tra, điều tra có hành vi thế này thế kia nhưng phải chờ các cấp có thẩm quyền kết luận mới có giá trị pháp lý. Giống như khi tòa tuyên án thì người bị tuyên án mới có tội.
Trả lời trực tiếp đến trường hợp ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Lê Minh Trí, cho biết vấn đề này phải chờ Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét kỷ luật ông Cang.
“Sắp tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bỏ phiếu thì mới biết ông Cang có bị kỷ luật hay không hoặc kỷ luật bằng hình thức nào, tức là phân cấp theo việc quản lý cán bộ” - ông Trí nói.
Chia sẻ thêm về công tác xử lý cán bộ, ông Lê Minh Trí cho rằng việc xử lý cán bộ “đau nhưng phải làm tới nơi tới chốn, làm để dân tin”.
“Đây là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và khó khăn vì những cán bộ này có chức quyền, quan hệ và trình độ” - ông Trí nói và cho biết sắp tới sẽ còn điều tra, tiếp tục khởi tố những cán bộ sai phạm, gây hậu quả tổn hại cho đất nước.
Cử tri mong quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng Tại buổi tiếp xúc với cử tri TP Cần Thơ của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng ngày, cử tri Huỳnh Chí Dũng cho rằng thời gian qua công tác phòng chống, xử lý tham nhũng của Nhà nước ta đạt được nhiều kết quả rất tốt, cử tri rất đồng tình. Cử tri Dũng đề nghị Đảng, Nhà nước, QH kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý tham nhũng, đồng thời quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người dân trong tiếp cận thông tin, tham gia giám sát quá trình xử lý tham nhũng.
Trả lời ý kiến của cử tri Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay khi bàn về Luật Phòng, chống tham nhũng, QH mong muốn người dân tham gia giám sát vấn đề này, đồng thời có biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng và cả biện pháp khen thưởng để người dân tham gia tích cực vào phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn. |