Phát hiện gây chấn động
Theo National Geographic, những nhà nghiên cứu từ ĐH bang Arizona, Mỹ đã phân tích lượng tro hóa thạch còn lại từ lần phun trào gần đây nhất và nhận thấy có một sự thay đổi nhiệt độ cũng như thành phần khoáng sản bên trong đó. Từ đó đưa ra kết luận rằng siêu núi lửa đang chực chờ “hồi sinh”.
Miệng núi lửa tuyệt đẹp với màu sắc cầu vồng ở Yellowstone. Ảnh: National Geographic
Hannah Shamloo, một sinh viên sắp tốt nghiệp tại một đại học bang Arizona, và một số đồng nghiệp đã có một thời gian nghiên cứu tại miệng núi Lava Creek Tuff ở Yellowstone. Họ đào những mẫu bụi tro hóa thạch từ lần phun trào cuối cùng và tìm ra được một số thay đổi đáng lo ngại.
Theo tờ The Times, Shamloo đã dựa vào mẫu hóa thạch mà họ thu được, từ đó nghiên cứu và nhận thấy có nhiều sự thay đổi đáng kể về về nhiệt độ, áp suất và lượng nước bên dưới núi lửa.
Ông Christy Till, một nhà địa chất học tại bang Arizona, người là cố vấn luận án của Shamloo cho biết: "Tinh thể thu được cho thấy có sự gia tăng nhiệt độ cũng như thay đổi thành phần bên dưới núi lửa và mọi thứ đang diễn ra nhanh hơn”.
"Phát hiện này thật đáng kinh ngạc nhưng chúng tôi cần có thêm thời gian để có thể đưa ra những kết luận rõ ràng và chính xác nhất” - Shamloo, tác giả chính của nghiên cứu nói với tờ The Times.
Điều gì xảy đến nếu Yellowstone "hồi sinh"
Theo một nghiên cứu đước công bố tại hội nghị về núi lửa vào năm 2011, cho biết lớp đất phía trên tầng dung nham của núi lửa Yellowstone đã dày lên thêm 10 in (25,4 cm) trong vòng 7 năm. "Đó là một sự biến đổi khác thường, bởi nó bao phủ một khu vực rộng lớn với tỉ lệ rất cao” - Bob Smith, một chuyên gia về núi lửa thuộc ĐH Utah's cho biết.
Các nhà khoa học cho biết Yellowstone hoạt động theo chu kỳ 700.000 năm/lần. Nó từng phun trào cách đây 2,1 triệu năm, 1,3 triệu năm và 640.000 năm trước.
Túi dung nham của Yellowstone dài 88 km, rộng 48 km và sâu 14,4 km. Ảnh: National Geographic
Theo National Geographic, trong lần phun trào gần nhất, Yellowstone đã có một trận phun trào mạnh mẽ, làm rung chuyển khu vực cũng như tạo ra một miệng núi lửa Yellowstone, một hố lòng chảo rộng đên 40 dặm (64 km2). Đồng thời tạo ra đám mây bụi dày đặc, bao phủ toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, làm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo tờ New York Times, các nhà nghiên cứu từng xác định rằng nếu siêu núi lửa họa động trở lại, nó sẽ sản sinh gần 1.000 km3 đá và tro bụi, gấp 2.500 lần so với núi lửa St. Helens từng phun trào năm 1980. Lúc đó toàn nước Mỹ sẽ ngập tràn trong tro bụi và rái đất sẽ chìm vào mùa đông núi lửa do nhiệt độ toàn cầu bị giảm đột ngột.
Con quái vật đang ngủ yên
Siêu núi lửa Yellowstone nằm dưới công viên quốc gia cùng tên thuộc các bang Wyoming, Montana và Idaho của Mỹ. Giống như núi lửa Toba, “con quái vật” Yellowstone ẩn náu bên dưới hồ nước yên ả. Các nhà nghiên cứu địa chất khẳng định lượng mắc-ma khổng lồ trong lòng núi lửa đủ khả năng xóa sổ nước Mỹ, đồng thời đẩy nhân loại vào tình thế khốn cùng.
Suối Grand Prismatic, suối nước nóng lớn thứ ba trên thế giới với màu sắc rực rỡ như cầu vồng là điểm đến lý thú, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: New York Times
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học làm việc tại ĐH Utah, túi dung nham của Yellowstone dài 88 km, rộng 48 km và sâu 14,4 km. Nó lớn gấp 2,5 lần các con số mà giới khoa học ước tính trước đây.
Mạch nước phun Old Faithful Geyser. Ảnh: New York Times
Dẫu bên dưới lớp đất là một mối nguy hại khôn cùng nhưng miệng núi lửa khổng lồ này lại vẫn đang là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu khách du lịch trên thế giới mỗi năm. Ở đây nổi tiếng với mạch nước phun Old Faithful Geyser, mạch nước này có thể phun nước nóng cao đến 30 m và suối Grand Prismatic, suối nước nóng lớn thứ ba trên thế giới với màu sắc rực rỡ như cầu vồng.
NASA đang vào cuộc để ngăn chặn thảm họa
Vào tháng 8 năm nay, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã có những nghiên cứu nhằm ngăn chặn thảm họa xảy đến với loài người trong thời gian không xa.
Theo dự định, NASA sẽ cho khoan sâu vào lòng siêu núi lửa ở Yellowstone. Sau đó đưa những vòi phun nước áp suất cao vào bên trong, hòng làm mát núi lửa. Từ đó, giải phóng nhiệt từ buồng chứa magma và ngăn chặn núi lửa phun trào. Chi phí ước tính ban đầu của dự án là 4,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, tiến trình này đang được nghiên cứu cực kỳ kỹ lưỡng, bởi một chút sai sót nhỏ cũng ngay lập tức khiến con quái vật ở Yellowstone đột ngột tỉnh giấc.