Sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc xung đột vì Hong Kong

Thời gian gần đây tại nhiều trường đại học Hàn Quốc xuất hiện nhiều vụ xung đột giữa sinh viên Hàn Quốc và sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục đang theo học ở đây. Lý do chung của các vụ xung đột này là bất đồng quan điểm về biểu tình Hong Kong, vốn đã kéo dài cả sáu tháng nay.

Bị quấy nhiễu từ trên mạng đến ngoài đời

Những lời tố cáo về tình trạng quấy rối và bắt nạt trên mạng đối với các sinh viên Hàn Quốc ủng hộ biểu tình ở Hong Kong mới xuất hiện tháng này. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều trường đại học hàng đầu ở Seoul, như Đại học Hàn Quốc, Đại học Nghiên cứu Ngoại thương Hankuk, Đại học Hanyang...

Nữ sinh viên Sujin Han, 20 tuổi, đang học hành chính công tại trường Đại học Hàn Quốc được một người gửi cho bức ảnh chụp mình trong một màn hình WeChat. Ngoài hình ảnh khuôn mặt, trong bức ảnh chụp màn hình còn có các thông tin cá nhân về cô và cả chi tiết liên lạc của cô. Các thông tin về cô được chia sẻ trong một nhóm trò chuyện gần 500 thành viên gồm các sinh viên Trung Quốc đại lục theo học ở Hàn Quốc.

“Họ gửi tôi những lời chửi rủa”, nữ sinh viên Han nói, đồng thời cho biết thêm cô không phải là người duy nhất bị chửi rủa thế này.

Theo lời nữ sinh viên Han, một nữ sinh viên ở Trường Đại học Nghiên cứu Ngoại thương Hankuk cũng bị tấn công trên mạng tương tự, thậm chí còn bị sỉ nhục nặng nề.

Một trong những áp phích in ảnh một nữ sinh viên bị sỉ nhục và đe dọa được dán ở trường đại học Hankuk ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Một trong những áp phích in ảnh một nữ sinh viên bị sỉ nhục và đe dọa được dán ở Trường đại học Hankuk ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Nhiều sinh viên Hàn Quốc khác cũng bị lôi vào cơn bão chính trị. Gần đây, nhiều sinh viên Hàn Quốc cho biết họ bị bắt nạt trên mạng và bị phát tán thông tin cá nhân lên mạng với ý đồ xấu.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một người đề nghị không nêu tên vì sợ trả đũa cho biết tại trường đại học Hanyang, “các sinh viên Trung Quốc ném đồng xu vào các sinh viên ủng hộ người biểu tình”.

Ở một số trường đại học khác như ĐH quốc gia Seoul, ĐH Yonsei thì gia tăng tình trạng cãi vã giữa các nhóm sinh viên về vấn đề biểu tình Hong Kong.

Theo lời nữ sinh viên Han thì đến lúc này trường đại học Hàn Quốc vẫn chưa làm gì để ngăn chặn tình trạng này.

“Tôi nghe có một số nhân viên trong trường ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong nhưng họ không chính thức nói thế. Sinh viên Trung Quốc là nguồn tài chính của trường”, Han nói.

Hiện có hơn 71.000 sinh viên từ Trung Quốc đại lục theo học ở 430 trường đại học và cao đẳng ở Hàn Quốc, chiếm tới 44,4% tổng số sinh viên nước ngoài du học tại Hàn Quốc, theo số liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia nước này. Tiền học phí từ sinh viên Trung Quốc là nguồn thu không nhỏ với Hàn Quốc. Chẳng hạn tại Trường Đại học Hàn Quốc, sinh viên quốc tế đóng học phí từ 4.000USD  đến 5.000 USD mỗi năm tùy theo ngành học.

Các thông điệp ủng hộ người biểu tình Hong Kong được dán trên một “Bức tường Lennon” tại một trường đại học ở Hàn Quốc, ngày 15-11. Ảnh: REUTERS

Các thông điệp ủng hộ người biểu tình Hong Kong được dán trên một “Bức tường Lennon” tại một trường đại học ở Hàn Quốc, ngày 15-11. Ảnh: REUTERS

Dù bị quấy rối và đe dọa, nữ sinh viên Han vẫn nói sẽ tham gia một cuộc tuần hành ủng hộ người biểu tình Hong Kong, dự kiến sẽ diễn ra ngày mai 23-11, với sự tham gia của sinh viên nhiều trường đại học ở Hàn Quốc.

Bên cạnh Hàn Quốc, chuyện sinh viên bản xứ bị lôi vào các cuộc cãi vã, xung đột liên quan đến biểu tình Hong Kong cũng xảy ra ở một số trường đại học bên Úc, theo đài ABC News. Nhiều sinh viên Úc tố cáo mình là nạn nhân của việc bị đưa thông tin cá nhân lên mạng và cả bị quấy rối tình dục sau khi thể hiện quan điểm ủng hộ biểu tình Hong Kong.

Sinh viên Trung Quốc học tại Hàn Quốc nói gì?

Sau khi bị bắt nạt trên mạng, nữ sinh viên Han đã tổ chức một diễn đàn công khai tại trường Đại học Hàn Quốc kêu gọi sinh viên Trung Quốc đại lục đoàn kết với sinh viên Hong Kong.

Tham gia diễn đàn này của nữ sinh viên Han có nam sinh viên Trung Quốc đại lục tên Zhang Yuxuan. Zhang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sinh viên đoàn kết về chủ đề biểu tình Hong Kong và cho biết mình sẽ thuyết phục người khác “thay đổi suy nghĩ” về vấn đề này.

“Tôi nghĩ người Trung Quốc bị bối rối và cho rằng phong trào biểu tình ở Hong Kong là về chính sách ly khai hủy hoại chủ quyền Trung Quốc chứ không phải về dân chủ” - sinh viên Zhang nói.

Một nữ sinh viên tên Kang Min-seo ủng hộ người biểu tình Hong Kong, tại một trường đại học ở Seoul. Ảnh: REUTERS

Một nữ sinh viên tên Kang Min-seo ủng hộ người biểu tình Hong Kong, tại một trường đại học ở Seoul. Ảnh: REUTERS

Theo lời sinh viên Zhang, cảm giác nhớ quê nhà cũng góp phần dẫn tới các biểu hiện dân tộc chủ nghĩa thái quá, chưa kể hệ thống giáo dục Trung Quốc mà các sinh viên đại lục thừa hưởng trước khi qua Hàn Quốc vốn rất chú ý giáo dục lòng yêu nước.

“Tất cả sinh viên Trung Quốc đều đã có hơn 20 năm thừa hưởng nền giáo dục dân tộc chủ nghĩa, dạy họ căm ghét đế quốc, các sức mạnh phương Tây và lịch sử “cả thế kỷ bị sỉ nhục” của Trung Quốc”, Zhang nói. Cụm từ “cả thế kỷ bị sỉ nhục” được dùng để nhắc đến giai đoạn Trung Quốc bị các nước phương Tây và Nhật can thiệp (1839-1949).

Vì thế, theo sinh viên Zhang, “sinh viên Trung Quốc nghĩ người Hàn Quốc đang giúp những người biểu tình cực đoan ở Hong Kong chia rẽ đất mẹ của mình”.

Biểu tình ngồi ở Hong Kong tối 21-11. Ảnh: SCMP

Biểu tình ngồi ở Hong Kong tối 21-11. Ảnh: SCMP

Tuần trước, sau khi sinh viên trường Đại học Yonsei thông báo lên cảnh sát chuyện sinh viên Trung Quốc phá hoại các biểu ngữ ủng hộ người biểu tình Hong Kong, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc ra tuyên bố rằng việc sinh viên Trung Quốc phản ứng với “các hành động gây hại đến chủ quyền Trung Quốc” là “hợp lý và có thể hiểu được”.

“Cùng lúc này, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công dân Trung Quốc ở nước ngoài tuân thủ luật pháp ở địa phương đó”, “thể hiện lòng yêu nước vừa phải” và “để ý an ninh của chính mình”, SCMP trích tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc.

Không chỉ tại Hong Kong mà tại Hàn Quốc cũng xuất hiện những “Bức tường Lennon” với các thông điệp ủng hộ người biểu tình Hong Kong.

“Bức tường Lennon” xuất hiện đầu tiên ở thủ đô Prague (Cộng hòa Czech) với những hình vẽ, dòng chữ được lấy cảm hứng từ nhạc sĩ, ca sĩ John Lennon và lời các bài hát của ban nhạc The Beatles (Anh). Cảnh sát Cộng hòa Czech thường xuyên dùng sơn đè lên các dòng chữ, hình vẽ trên bức tường Lennon nhưng bức tường này luôn tồn tại vì luôn nhanh chóng được trang hoàng lại như cũ.

“Bức tường Lennon” xuất hiện lần đầu ở Hong Kong vào đợt biểu tình Dù vàng năm 2014 và tiếp tục xuất hiện trở lại ngay từ những ngày đầu của đợt biểu tình hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm