Ngày 25-4, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng Liên minh châu Âu (EU) đã hạ giọng và thay đổi một báo cáo nói về việc Trung Quốc làm sai lệch thông tin về COVID-19. Lý do được đưa ra là vì sợ Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách trì hoãn xuất khẩu vật tư y tế sang châu Âu.
Nguồn tin này cho hay phiên bản đầu tiên của báo cáo nói rằng Trung Quốc đang thực hiện một “chiến dịch làm sai lệch thông tin toàn cầu” bằng hai chiến thuật “công khai và bí mật” nhằm chuyển hướng đổ lỗi về phía họ đối với sự bùng phát đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, báo South China Morning Post thông tin rằng phần này trong báo cáo đã bị xóa sau khi Bắc Kinh can thiệp cũng như cảnh báo các nhà ngoại giao EU tại Trung Quốc về những “hậu quả không lường trước được”.
Một phần trong báo cáo của châu Âu nói về việc Trung Quốc làm sai lệch thông tin thông tin toàn cầu đã bị xóa bỏ. Ảnh: REUTERS
Ông Dương Tiêu Quang (Yang Xiaoguang) - cố vấn Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giáo Trung Quốc đã gặp gỡ và thảo luận với các nhà lãnh đạo EU về các mối quan tâm của họ đối với Bắc Kinh.
Các nhà ngoại giao EU sau đó đã chuyển lời các quan chức Trung Quốc đến các đồng nghiệp tại trụ sở của EU ở Brussels (Bỉ).
Ngoài ra, báo cáo ban đầu còn nói rằng các nhà phân tích châu Âu "đã phát hiện một sự thúc đẩy liên tục và phối hợp của nhiều nguồn tại Trung Quốc để làm chệch hướng bất kỳ sự đổ lỗi nào cho Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, bản sửa đổi chỉ nói: “Chúng tôi đã thấy có một số sự thúc đẩy liên tục do nhiều nhân tố, trong đó có Trung Quốc, để làm chệch hướng bất kỳ sự đổ lỗi nào”.
Đại sứ Trung Quốc tại châu Âu Trương Minh. Ảnh: FINANCIAL TIMES
Thế nhưng Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh (Zhang Ming) vẫn chưa hài lòng với bản sửa đổi trên, theo South China Morning Post.
Hôm 24-4, trong môt sự kiện trực tuyến do nhóm chuyên gia Những người bạn châu Âu (Friends of Europe) tổ chức, ông Trương nói: “Thông tin sai lệch là kẻ thù đối với tất cả chúng ta và chúng ta nên giải quyết nó. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều từ cáo buộc làm sai lệch thông tin. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn để quên đi những quan điểm chính trị đó".
Hiện vẫn chưa rõ vì sao mà Trung Quốc có được phiên bản sửa đổi báo cáo trước khi công bố của EU như vậy.
Một lô hàng vật tư y tế của Trung Quốc được chuyển đến châu Âu. Ảnh: EPA
SCMP dẫn lời một số nhà ngoại giao EU lo lắng rằng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sẽ căng thẳng và đặc biệt EU sẽ gặp khó trong việc tiếp nhận vật tư y tế vốn EU đang rất cần cho cuộc chiến chống COVID-19.
Thông tin cho biết báo cáo về những nghi vấn trên đối với Bắc Kinh do một đơn vị chống tin giả thuộc Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cập nhật.
Trước đó, nhóm nghiên cứu được thành lập để giám sát những nghi vấn đối với Nga nhưng năm ngoái đã chuyển hướng sang Trung Quốc.
Hiện tại, EEAS nói rằng họ không chịu thua trước áp lực từ Bắc Kinh.
“Chúng tôi chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ áp lực chính trị bên ngoài nào” - phát ngôn viên của Ủy ban đối ngoại EU Virginie Battu-Henriksson nói.
Bà Battu-Henriksson nói thêm rằng báo cáo “đã trình bày tường thuật về các âm mưu làm sai lệch thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả Nga và Trung Quốc”.