Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 4-2 cho biết theo số liệu mới được Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ công bố, năm 2019, hải quân Mỹ đã thực hiện một số lượng kỷ lục các đợt tuần tra gần các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Cụ thể, hải quân Mỹ đã có bảy lần thực hiện tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý quanh khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông trong năm 2019. Đây là mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông năm 2014.
Nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Ronald Reagan (Mỹ) dẫn đầu tại biển Đông. Ảnh: AFP
Washington đã tiến hành năm chiến dịch tuần tra tương tự năm 2018 và sáu cuộc tuần tra vào năm 2017 - năm đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Trước đó, Mỹ thực hiện FONOP hai lần năm 2015 và ba lần năm 2016. Năm 2014, Mỹ không thực hiện cuộc tuần tra nào.
Cuối tháng trước, tàu chiến USS Montgomery của Mỹ đã đi vào khu vực gần đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đây là đợt thực hiện FONOP đầu tiên của Mỹ trong năm 2020. Bắc Kinh đã cáo buộc Washington “cố tình gây hấn”.
SCMP có được thông tin này sau khi được Văn phòng Hạm đội Thái Bình Dương cung cấp số liệu mới theo luật về yêu cầu tự do thông tin. Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức xác nhận về quy mô FONOP ở biển Đông trong vòng năm năm qua.
“Mỹ xem duy trì quyền tự do hàng hải là một nguyên tắc. Những nhiệm vụ của chương trình tự do hàng hải được tiến hành một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Những nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi về việc duy trì các quyền tự do, sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận quốc tế” - ông Rachel McMarr, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
“Rõ ràng dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump chúng ta chứng kiến những động thái vững chắc hơn về FONOP ở biển Đông, cụ thể là sự gia tăng đáng kể tần suất hoạt động kể từ năm 2015 và sau khi ông Trump nhậm chức” - ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho hay.
Theo chuyên gia Koh, những chiến dịch này có tác dụng duy trì quyền tự do hàng hải, góp phần ngăn Trung Quốc gây hấn, bắt nạt các quốc gia láng giềng ở biển Đông.
Số lượng các cuộc tuần tra biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gia tăng. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định những cuộc FONOP của Mỹ vẫn chưa đủ. Nhưng điều quan trọng là hoạt động này khẳng định tuyên bố của Mỹ rằng nước này sẽ triển khai máy bay, tàu chiến và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Ông Tong Zhao, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nói rằng tần suất triển khai FONOP ngày càng gia tăng phản ánh quan điểm của chính phủ Mỹ rằng Trung Quốc xem thường các quy tắc và trật tự quốc tế hiện có để theo đuổi lợi ích riêng, Mỹ không thể nhân nhượng và phải đẩy lùi hành động này.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% diện tích biển Đông và đã tiến hành quân sự hóa phi pháp một số đảo nhân tạo ở biển Đông trong những năm gần đây.
Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague năm 2016 bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông trong vụ kiện với Philippines.