Sau khi PLO cùng nhiều cơ quan báo chí thông tin về tình trạng phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại địa phận rừng đặc dụng Nam Kar (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), ngày 27-11, Sở NN&PTNT tỉnh này đã có công văn chỉ đạo về việc này.
Cổ thụ trong rừng đặc dụng Nam Kar bị cắt. Ảnh: H.TRƯỜNG
Theo công văn, Hạt Kiểm lâm Krông Ana và các cơ quan liên quan xác định có nhiều điểm phá rừng xảy ra trên địa phận rừng đặc dụng nói trên.
Cụ thể, tại khu vực rẫy cà phê thuộc lô 7, khoảnh 9, tiểu khu 1023 do UBND xã Bình Hòa quản lý có tập kết một số gỗ xẻ, tạp với khối lượng khoảng 2 m3. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chưa xác định được chủ sở hữu của số gỗ này.
Từ điểm này, đi sâu vào đường mòn phát hiện ba gốc cây đã bị chặt hạ, đường kính ước tính 40-50 cm, phần thân cây đã bị cưa xẻ để lấy đi, tại hiện trường chỉ còn lại phần ngọn. Tại khu vực này, hạt kiểm lâm chưa xác định được thuộc lô, khoảnh nào và đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường.
"Công xưởng" trong rừng đặc dụng. Ảnh: H.TRƯỜNG
Kiểm tra tại vị trí lô 69, khoảnh 1, tiểu khu 1024 thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar thì phát hiện có hai gốc cây đã bị cắt hạ, đường kính ước tính 1-1,5 m.
Tại hiện trường tại thời điểm kiểm tra còn lại ba hộp gỗ xẻ có khối lượng khoảng 1,5 m3 và một số ngọn, bìa. Thời điểm khai thác gỗ, qua kiểm tra xác định xảy ra khoảng tháng 9 hoặc tháng 10-2019. Hiện Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường, xác minh lập hồ sơ để xử lý theo pháp luật.
Những gốc cây lớn bị chặt phá một cách ngang nhiên. Ảnh: H.TRƯỜNG
Qua đó, Sở NN&PTNT Đắk Lắk giao cho Bản quản lý rừng đặc dụng Nam Kar phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ đối tượng, hoàn tất hồ sơ vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên lâm phận quản lý của đơn vị để xử lý hoặc gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Ban quản lý cũng được giao chủ động rà soát khu vực xảy ra vi phạm, đồng thời làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và trách nhiệm của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar trong việc để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép trên lâm phận quản lý nhưng không kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Báo cáo kết quả về sở trước ngày 29-11.
Gỗ được xẻ ngang nhiên trong rừng đặc dụng đã nhiều tháng nay nhưng chủ rừng không hay biết. Ảnh: H.TRƯỜNG
Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar phải có trách nhiệm trông coi, bảo vệ hiện trường và tang vật (gỗ vi phạm tại hiện trường) của vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép nêu trên trong thời gian chờ xử lý theo quy định pháp luật. Cạnh đó, xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản… Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, các cấp có thẩm quyền để xử lý.
Những tấm gỗ có đường kính 1-1,5 m được lâm tặc cưa xẻ để kéo ra khỏi rừng. Ảnh: H.TRƯỜNG
Bên cạnh đó, sở giao Hạt Kiểm lâm Krông Ana phối hợp với cơ quan liên quan và chủ rừng tiếp tục kiểm tra hiện trường, xác minh vụ vi phạm khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, báo cáo kết quả về Chi cục Kiểm lâm…
Trước đó, PLO đã ghi nhận và phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra ở rừng đặc dụng Nam Kar. Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện và cơ quan chức năng đã vào cuộc ghi nhận vụ việc.