Năm 2016 được giới quan sát xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự leo thang trong cuộc “chiến tranh lạnh mới” giữa Mỹ và Nga khi Moscow liệt Washington và phương Tây vào “một trong những mối đe dọa đến lợi ích quốc gia” trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố đầu năm 2016.
Cần phải nhắc lại, “chiến tranh lạnh mới” là một thuật ngữ phổ biến trong giới giới quan sát, được đưa ra từ năm 2014 sau các sự kiện sáp nhập Crimea của Nga và nội chiến Ukraine nhằm định nghĩa sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây (đặc biệt là Mỹ).
Tuy nhiên, những động thái mới đây của tổng thống Nga Putin và tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dường như đang khiến câu chuyện dần chuyển sang một hướng khác hoàn toàn với những dự đoán của các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Sự cao tay của Tổng thống Putin
Cụ thể, hôm 30-12 vừa qua, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ không trả đũa hành động trục xuất của chính quyền Obama, thậm chí ông còn mời các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình ở Moscow đến dự tiệc mừng năm mới ở điện Kremlin đồng thời gửi đến Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama lời “chúc mừng năm mới”.
Trước đó đã có rất nhiều phản ứng không chính thức từ phía Moscow về sự kiện chấn động này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin đã loại trừ mọi hành động trả đũa. Đây là một phản ứng hoàn toàn nằm ngoài dự đoán và gây bất ngờ của ông Putin, người vẫn thường được biết đến như một lãnh đạo cứng rắn và “hiếu chiến” trong mắt truyền thông phương Tây.
Có thể thấy người đứng đầu Kremlin đã cao tay trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này bằng những tính toán sâu xa và phức tạp. Đầu tiên, việc từ chối trả đũa Washington sẽ giúp truyền thông Nga cũng sẽ có cơ hội ca ngợi tấm lòng rộng lượng của lãnh đạo của mình, thậm chí nâng tầm của ông Putin trên trường quốc tế, chứng minh người Nga không hề “hiếu chiến”.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Telegraph
Tiếp theo, đây có thể được xem là một pha giải cứu “ngoạn mục” của ông Putin dành cho Tổng thống đắc cử Donald Trump. Truyền thông Nga, sau tuyên bố của ông Putin đã bắt đầu vẽ nên bức tranh về lệnh trừng phạt được thi hành một cách cá nhân bởi vị tổng thống “vịt què” (thuật ngữ chỉ tổng thống không có sự ủng hộ của lưỡng viện) đang “cay cú” và hành động theo cảm tính. Đó là lệnh “trừng phạt của Obama” chứ không phải “của Trump”, càng không phải của nước Mỹ.
Trong khi ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ do các cuộc điều tra của CIA về sự tác động từ Nga trong quá trình bầu cử thì hành động của tổng thống Putin sẽ làm nhẹ bớt khá nhiều chông gai trong việc xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Kremlin. Vladimir Frolov, chuyên gia an ninh và cựu cố vấn của điện Kremlin, ví von đó là “món quà ra mắt” của Putin với tổng thống mới đắc cử của Mỹ, điều này đặt ông Trump vào thế “người chịu ơn” với Putin và bước đi của chính quyền Trump trong tương lai ít nhiều phải suy tính.
Cuối cùng, ông Putin vẫn không quên nhấn mạnh Nga vẫn bảo lưu quyền trả đũa và những hành động tiếp theo để xây dựng lại quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ còn “tùy thuộc vào những gì ông Trump thực hiện khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20-1.” Đây vừa là một lời “nhắc nhở” với ông Trump vừa là một bước trì hoãn chiến lược của Nga. Giờ đây, từ chỗ là nghi phạm, Moscow đã trở thành người nắm đằng chuôi trong vụ bê bối này.
Tương lai quan hệ Mỹ-Nga
Về phía Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông đã lập tức viết trên Twitter: "Động thái trì hoãn (của V. Putin) thật tuyệt vời - Tôi luôn biết rằng ông rất thông minh!" đồng thời so sánh cuộc điều tra của CIA hiện nay với scandal tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq và hoàn toàn không đáng tin.
Trước đó, ông Trump cũng không giấu giếm quan điểm ủng hộ Tổng thống Nga Putin qua cương lĩnh tranh cử, các phát biểu và mới đây nhất là việc bổ nhiệm CEO của Exxon Mobill-Rex Tillerson, người được xem là bạn thân thiết của Tổng thống Putin vào vị trí bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và Thomas Graham, một người rất được lòng Moscow làm đại sứ Mỹ tại Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Thestars)
Mặc dù vậy, giữa nói và làm lại là một khoảng cách rất xa. Giới quan sát nhận định việc ông Trump đắc cử cùng với những cương lĩnh tranh cử hứa hẹn trước đó sẽ làm thay đổi các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ rất nhiều, tuy nhiên thay đổi cụ thể như thế nào thì sẽ rất khó đoán vì ngay cả ông Trump dường như chỉ tập trung vào việc thay đổi hiện trạng mà chưa đưa ra được những lộ trình và hoạch định rõ ràng.
Thậm chí ông Trump trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times ngày 22-11 cho thấy ông đang lưỡng lự trước việc thực hiện những hứa hẹn tranh cử trước đó như điều tra, bỏ tù bà Clinton hoặc thay đổi suy nghĩ phóng khoáng về biến đổi khí hậu, ông cũng có vẻ thận trọng và chịu lắng nghe các ý kiến trái chiều hơn trước. Tất cả điều này cho thấy một phần những tuyên bố và cương lĩnh tranh cử trước đó của ông Trump không phải là hoàn toàn thực tâm mà chỉ là vận động lá phiếu của một số bộ phận cử tri, giờ đây khi đã đạt được mục đích thì ông Trump không muốn bị chỉ trích và khiến nước Mỹ bị chia rẽ nhiều hơn nữa.
Có thể nhận thấy, để thành công trong nhiệm kỳ đầu của mình hoặc ít nhất là trong năm đầu tiên nắm quyền, ông Trump cần tranh thủ sự ủng hộ của người Mỹ sau một cuộc bầu cử chia rẽ nhất trong lịch sử. Đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Mặc dù đảng Cộng Hòa đã nắm trong tay lưỡng viện nhưng phe chống đối ông trong nội bộ Đảng vẫn rất mạnh, ví dụ như Thượng Nghị Sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện đều ủng hộ điều tra “tận gốc” vụ bê bối can thiệp của hacker Nga.
Theo nhận định của tạp chí Foregin Policy, mặc dù đã có những cố gắng để cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ nhưng không có gì đảm bảo Moscow và Washington sẽ tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của hai nước như Ukraine, Iran, Trung Quốc... Sau tất cả, Putin đã bày tỏ “thiện chí” của mình, vấn đề còn lại phụ thuộc rất nhiều vào những gì ông Trump sẽ làm sau khi nhậm chức vào ngày 20-1 sắp tới.