Cùng với những thông tin cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới tại Trung Quốc và thế giới, trên Internet lại xuất hiện hàng loạt tin tức giả mạo (fake news) và nhiều thông tin sai lệch về virus Corona mới này, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad đã cảnh báo đến cộng đồng rằng sự lan truyền của tin giả đang trở thành một vấn đề còn "nghiêm trọng và nhức nhối" hơn cả virus Corona trên lãnh thổ nước này.
“Để chống lại điều này, chúng tôi sẽ có các cập nhật hàng ngày và hy vọng công chúng sẽ tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy thay vì tin vào những thông tin đang lan truyền (viral) trên mạng xã hội” - ông nói.
Còn tại Thái Lan, Trung tâm chống "tin tức giả mạo" của nước này từ ngày 25 đến 29-1 vừa qua đã nhận hơn 7.500 mục “tin giả”. Đa số các tin tức này đề cập các trường hợp nhiễm bệnh giả, cáo buộc trang thiết bị sân bay bị nhiễm trùng nhưng bị “bưng bít thông tin” và lan truyền một số sản phẩm "tiêu diệt" virus.
Các chuyên gia nói rằng người dân chỉ biết chuyển tiếp tin nhắn nên sự phát tán thông tin nhanh hơn nhiều và tạo sự lo lắng, thậm chí hoang tưởng trong họ.
Trung tâm chống "tin tức giả mạo" của Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST
Hiện các quốc gia Đông Nam Á đều rất quyết liệt với các cá nhân tung tin giả.
Tại Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội Buddhipongse Punnakanta cho biết các quan chức của bộ này đã có lệnh tòa án điều tra 15 địa điểm và xác định 6 trường hợp nghi ngờ về phát tán "tin giả" gây hoang mang dư luận.
Tuần trước, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ sáu người vì phát tán tin tức giả về virus Corona tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore nói rằng chính phủ nước này sẽ dùng các biện pháp nhằm cung cấp thông tin xác thực cho người dân cũng như xử lý với các tin tức giả mạo gây hoang mang, lo lắng.
Nước này tiếp tục mang đạo luật Phòng tránh Thông tin sai lầm và Thao túng tin tức (POFM), vốn gây tranh cãi dữ dội tại đảo quốc này, ra sửa đổi trước các vấn đề liên quan đến virus Corona.
Theo đó, đạo luật sửa đổi với các quy định sẽ áp dụng trên các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội như Facebook, Yahoo và Twitter nhằm buộc họ hiển thị tin tức đúng cho tất cả người dùng, thay vì chỉ hiển thị cho những người thường xuyên truy cập mục "tin tức giả mạo".
Các tin đồn về phân biệt đối xử trên mạng cũng khiến các quốc gia "đau đầu". Ảnh: SCMP
Ngoài ra, một vấn đề khiến các nhà chức trách tại các quốc gia đa chủng tộc ở châu Á lo lắng đó là các tin đồn về phân biệt đối xử, vì virus Corona được cho là xuất phát từ một chợ đầu mối hải sản tại TP Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.
SCMP cho biết tại Indonesia, hàng loạt tin nhắn trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp khẳng định rằng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất có thể mang và lây truyền virus nhưng “mua quần áo từ Trung Quốc” thì không lây bệnh.
Còn ở Malaysia, một số bài viết trên mạng xã hội còn nhại tiếng Hoa và nói rằng chính người Trung Quốc phát tán virus bởi "cách ăn thịt lạ lùng "của họ.
Tuy nhiên, theo một số nhà hoạt động xã hội tại Malaysia, việc chính quyền nước này sử dụng luật pháp để duy trì trật tự xã hội trong thời điểm hiện nay có vẻ càng khiến vấn đề thêm rắc rối, xáo trộn.
Luật sư Hiến pháp Lim Wei Jiet của Malaysia nói với SCMP rằng: “Luật chống giả của Malaysia theo Đạo luật Truyền thông và Đa phương tiện vẫn còn quá chung, rộng và nhiều kẽ hở để lợi dụng”.
“Chính phủ nên hình sự hóa các tuyên bố, tin tức công cộng mà có thể gây ra xáo trộn xã hội và phân biệt đối xử. Đây là giới hạn mà chính phủ nên đưa ra chứ không phải là xử lý tin giả không” - luật sư Lim nói.
Các mạng xã hội cũng có các bước đi nhằm hạn chế "tin giả". Ảnh: INTERNET
Còn đối với các "đại gia" công nghệ, họ cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm ngăn chặn "tin giả".
SCMP cho biết công cụ tìm kiếm Google đã hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một cảnh báo SOS nhằm cung cấp các thông tin xác thực, dễ dàng tiếp cận về virus Corona tới người dùng để bổ sung kiến thức về dịch bệnh.
Hôm 31-1, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook nói rằng sẽ bắt đầu loại bỏ “các thuyết âm mưu về virus”, cũng như chặn các hashtag (#) có vấn đề trên ứng dụng Instagram.
Còn theo nhà phân tích từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia, Harris Zainul, các chính phủ có thể ngăn chặn những kẻ tạo ra các trò lừa bịp trên mạng bằng việc điều tra toàn bộ các thông tin sai sự thật, nhưng quan trọng nhất là mỗi người cần phải tự mình cảnh giác và cẩn trọng trước bất kỳ thông tin nào.
“Hãy nghĩ trước khi nhấn nút chuyển tiếp hay chia sẻ” - ông nói.