Tài sản tăng thêm: Phải giải trình nguồn gốc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN) của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) mới được sửa đổi.Pháp Luật TP.HCMphỏng vấn ôngPhí Ngọc Tuyển- Cục phó Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ,người tham gia biên tập nghị định để làm rõ những nội dung mới của văn bản này.

. Phóng viên:Thưa ông, minh bạch TSTN theo Nghị định 78/2013 sẽ có gì mới so với lâu nay?

+ Ông Phí Ngọc Tuyển:Sau bảy năm triển khai Luật PCTN, vừa rồi QH đã sửa luật, trong đó vấn đề minh bạch TSTN có hai bổ sung quan trọng: Chính thức luật hóa nghĩa vụ công khai bản kê khai tài sản tại đơn vị nơi công tác của người kê khai (đã được quy định tại Nghị định 68/2011) và lần đầu tiên xác lập nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Việc xây dựng Nghị định 78 cũng vậy. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện quy định về minh bạch TSTN trong Luật PCTN và các nghị định trước đây, giờ ban hành nghị định mới, chi tiết hơn về kê khai TSTN; công khai bản kê khai; giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; xác minh TSTN; xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện…

Làm từng bước, không vội vàng

. Trong hai bổ sung quan trọng, thực ra việc công khai bản kê khai không thực sự mới lắm?

+ Đúng. Luật PCTN trước đây không có quy định này. Nghị định 37/2007 hướng dẫn chi tiết cũng vậy, kê khai xong là đưa vào hồ sơ cán bộ quản lý. Nhưng đến năm 2011, Nghị định 68/2011 sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2007 đã bắt đầu quy định việc công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan, đơn vị nơi người kê khai công tác.

Tài sản tăng thêm: Phải giải trình nguồn gốc ảnh 1

Người có chức vụ, quyền hạn phải minh bạch về nguồn gốc TSTN của mình để có cơ sở giám sát trong việc PCTN. Ảnh: HTD

Nhưng quy định 2011 khá chung chung nên cuối 2011, 2012 việc thực hiện khá lúng túng. Một mặt, tâm lý ngại ngần phải công khai TSTN, mặt khác chưa rõ lắm về hình thức, phạm vi, cách thức công khai. Nghị định 78 được ban hành khắc phục những hạn chế ấy.

. Đọc Nghị định 78 thì thấy phạm vi công khai bản kê khai TSTN có vẻ không rộng lắm và người đứng đầu đơn vị vẫn có thể tùy nghi lựa chọn hình thức công khai, dẫn tới hạn chế mức độ công khai?

+ Nếu theo dõi quá trình thảo luận về PCTN thì sẽ thấy quan điểm của người làm chính sách là các giải pháp được cải tiến từng bước, vững chắc, không gây mất ổn định. Minh bạch TSTN cũng vậy thôi: Đầu tiên chưa công khai bản kê khai, tiếp theo là mở ra một chút để mọi người làm quen dần… Hơn nữa, vấn đề quản lý TSTN và thực trạng quản lý kinh tế, hành chính ở ta còn nhiều yếu kém, rất khó bóc tách tính hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Thế nên không vội vàng được.

Vì vậy, Nghị định 78 vẫn quy định hai hình thức công khai là niêm yết hoặc công bố tại cuộc họp. Nếu niêm yết thì có thể nhiều người đọc được, ghi chép được. Còn công bố tại cuộc họp thì phạm vi công khai hẹp hơn, theo nguyên tắc: Bản kê khai TSTN của các chức danh do bầu, phê chuẩn thì công khai trước hội nghị của những người có thẩm quyền ghi phiếu lấy tín nhiệm hằng năm. Các chức danh còn lại thì công khai trong cuộc họp của lãnh đạo các đơn vị cấp dưới…

Như vậy, có thể hiểu phạm vi minh bạch TSTN lần này gắn khá chặt với những người có quyền trong việc đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu bầu - là đối tượng tham gia vào các quy trình công tác cán bộ.

Báo chí có thể giám sát

. Công khai phạm vi hẹp như vậy thì công chúng, báo chí làm sao có thể giám sát việc minh bạch TSTN của quan chức được?

+ Công khai và hiệu quả của công khai minh bạch là quá trình vận động lâu dài. Trước mắt, bản kê khai được quản lý, sử dụng cho việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ; phục vụ cho hoạt động của cơ quan có thẩm quyền trong công khai, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xác minh, kết luận, xử lý hành vi tham nhũng; và các yêu cầu khác liên quan đến công tác cán bộ.

Với mục đích ấy, bản khai gốc được lưu giữ tại ban tổ chức của cấp ủy; người khai, cơ quan nơi họ công tác và cơ quan kiểm tra của cấp ủy mỗi nơi giữ một bản sao.

Còn về mức độ minh bạch thì với quy định lần này về nghĩa vụ công khai bản khai TSTN tại cơ quan, đơn vị thì bản khai đã không còn mật hoàn toàn nữa. Tôi nghĩ báo chí, người quan tâm nếu nắm bắt được thông tin thì vẫn có thể giám sát được.

Cứ giàu thêm là phải giải trình

. Còn nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của quy định này?

+ Có thể coi đây là bước tiến đáng kể nhất. Bảy năm trước, khi thảo luận, ban hành Luật PCTN đầu tiên, quan điểm chỉ đạo là từng bước, làm quen dần với nghĩa vụ kê khai TSTN. Do đó, không bắt buộc khai báo nguồn gốc. Ngần đấy năm thực thi luật, việc xác minh, truy nguyên nguồn gốc chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu nghi ngờ về sự bất minh, hay người kê khai có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng. Họ chỉ phải giải trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Nay tiến thêm một bước: Tài sản có từ trước anh không phải khai nguồn gốc nhưng tài sản tăng thêm thì phải tự giải trình. Ý nghĩa lớn lao là từ nay người có chức vụ, quyền hạn bắt đầu phải minh bạch về nguồn gốc TSTN của mình. Từ đó có cơ sở để giám sát, quản lý TSTN của người có chức quyền.

. Bản khai TSTN là dữ liệu quan trọng để theo dõi, đánh giá mức độ giàu, nghèo của quan chức, nguồn gốc thu nhập, hoàn cảnh kinh tế của những người đang tham gia vận hành hệ thống chính trị. Nhưng quy định như hiện tại thì việc quản lý lại bị cắt khúc ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tới đây có kế hoạch gì để quản lý tập trung, khai thác giá trị của khối dữ liệu khổng lồ quan trọng ấy không?

+ Chúng ta đang làm quen dần với công khai minh bạch. Hiện Thanh tra Chính phủ đang giúp Chính phủ nghiên cứu Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai TSTN. Đề án này đã được báo cáo Bộ Chính trị một lần, đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Từ đó có thể dẫn tới các đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, bộ máy để việc minh bạch TSTN được thực chất hơn, phục vụ hiệu quả cho công tác PCTN.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Nghị định 78/2013, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai bản kê khai TSTN của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hằng năm.

Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem các bản kê khai; thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Việc công khai bản kê khai TSTN phải hoàn thành trước ngày 31-3 năm sau.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm