LTS: Dự kiến ngày 5-5 này, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, sẽ nghỉ hưu. Cái tin ấy làm cho người dân Đà Nẵng không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối. Hình ảnh của ông như chiếc cầu nối trái tim mỗi người lại với nhau và nối Hoàng Sa với đất mẹ ruột thịt.
Với nhiều người, khi hay tin ông Ngữ về hưu đã không khỏi ngậm ngùi. Tất nhiên, huyện Hoàng Sa rồi sẽ có chủ tịch mới và con đường đấu tranh của cả dân tộc sẽ vẫn tiếp diễn. Thế nhưng hình ảnh gần gũi của ông nhiều năm nay đã trở thành biểu tượng của Hoàng Sa thân yêu.
1.828 ngày làm chủ tịch huyện
Ngày 21-4-2009, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh (giờ là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương) ra quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức vụ chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Bốn ngày sau ông chính thức nhận nhiệm vụ to lớn của mình trông coi huyện đảo Hoàng Sa. Một huyện đặc biệt của Tổ quốc. Ông cũng chính là chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đầu tiên được trao quyết định bổ nhiệm.
Từ đó đến nay ông Ngữ dốc sức hết mình cho Hoàng Sa. Nghe có tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, ông lại cùng nhân viên tìm đến để sưu tầm, thuyết phục người ta tặng cho huyện. Ông có mặt ở mọi triển lãm, mọi nơi có liên quan đến chủ quyền Tổ quốc. Ông Ngữ bảo ông đếm từng ngày mình ngồi ghế chủ tịch huyện Hoàng Sa. “Đến nay tôi đã làm chủ tịch huyện Hoàng Sa đúng 1.828 ngày. Một thời gian dài với nhiều biến động, nhiều kỷ niệm vui buồn với chủ quyền Tổ quốc” - ông tâm sự. Và với ông Ngữ, nhận nhiệm vụ làm chủ tịch huyện Hoàng Sa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của một con dân nước Việt đối với Tổ quốc, với tiền nhân.
Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (bên phải ảnh), tặng Kỷ yếu Hoàng Sa cho những tấm lòng luôn hướng về Hoàng Sa. Ảnh: LÊ PHI
Đêm 28-4, chúng tôi được ông mời đến để tri ân lần cuối trước khi không còn làm chủ tịch của Hoàng Sa nữa. Biết rằng đó là sự thật nhưng chúng tôi vẫn nuối tiếc và rơm rớm nước mắt khi nghe ông tâm sự trong không gian ấm cúng: “Khách sạn Hoàng Sa”. Đêm đó ông đã nghẹn ngào cất lời bài hát Tổ quốc gọi tên mình.
Có thể nói khó có một giám đốc sở và chủ tịch huyện nào lại đặc biệt như vậy. Ông Ngữ có một sức thu hút kỳ lạ như chính sức hút của “giọt máu” Hoàng Sa vẫn chưa thể trở về với đất mẹ. Không thể tìm ra một chủ tịch huyện nào đến giờ phút nghỉ hưu vẫn được báo chí, quan chức và người dân quyến luyến trong từng bước đi. Ai cũng bịn rịn và trao cho ông những cái ôm không thể chặt hơn. Mắt ông ngấn lệ.
Ông tạm biệt mọi người bằng những lời tri ân đầy xúc động: “Hơn 1.828 ngày làm chủ tịch huyện Hoàng Sa, tôi đã nhận được sự đồng hành của các bạn trong công cuộc đấu tranh để đòi lại lãnh thổ nước nhà. Xin các bạn hãy nhận của tôi một lời tri ân sâu nặng”. Tóc bạc phơ, ông Ngữ cúi đầu chắp tay tri ân mọi người.
Thời khắc đó thời gian như đứng lại, mọi người nín lặng như tờ. Ông Ngữ nói như nuốt từng lời, như có mũi kim đang đâm vào chính ngực trái của ông: “40 năm trôi qua, nhắc lại như một sự kiện buồn nhưng chúng ta phải nhắc để nhớ, để biết rằng dân tộc đã đứng lên, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để đòi lại quần đảo thiêng liêng này...”.
Ông Ngữ bộc bạch: “Hoàng Sa luôn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam. Giờ đây cương vị của tôi sắp hết, tôi phải nhường lại trọng trách của mình cho những đồng chí trẻ hơn tiếp tục đấu tranh đòi lại Hoàng Sa. Cuộc đấu tranh ấy đang ngày càng cam go, phức tạp hơn. Nhưng tôi luôn tin rằng rồi sẽ có ngày Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ”.
Những câu hỏi nhói lòng về Hoàng Sa
Trước ngày rời nhiệm sở, ngày 17-4, đích thân ông Ngữ cùng đoàn UBND huyện Hoàng Sa đã vào TP.HCM thăm các thân nhân và thắp hương tri ân những người đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa. Trong chuyến thăm ấy, Chủ tịch huyện Hoàng Sa khẳng định mỗi người Việt Nam luôn luôn quý trọng và không bao giờ quên công lao của các quân nhân trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Theo ông Ngữ, cả đời ông chỉ một lòng vì Hoàng Sa. Nhưng có những câu hỏi đến nay ông vẫn chưa thể trả lời được cho nhân dân và còn canh cánh trong lòng. “Họ hỏi tôi đã đi Hoàng Sa chưa? Hoàng Sa giờ như thế nào?” - ông Ngữ bùi ngùi nói.
Ông bảo các câu hỏi ấy như khoan sâu vào da thịt và trái tim ông. “Tôi là chủ tịch huyện nhưng vẫn chưa thể ra được Hoàng Sa. Làm sao đi ra được khi Hoàng Sa vẫn còn đang bị chiếm đóng. Làm sao tôi có thể trả lời được các câu hỏi ấy. Những câu hỏi ấy cũng dành cho tất cả chúng ta và cho cả thế hệ trẻ mai sau” - ông Ngữ nói.
Ông cũng cho rằng cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa sẽ còn dai dẳng và chúng ta đang có lỗi với cha ông. “Từ thời Nguyễn, cha ông ta đã vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt, dù phải dùng thuyền nan nhưng vẫn đến Hoàng Sa để khai phá, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền đã xác lập. Có biết bao người đã ngã xuống nhưng rồi thế hệ sau này đã không giữ được chủ quyền đó. Ông cha đã giao lại trọng trách cho chúng ta, chúng ta phải bằng mọi cách để đòi lại cho bằng được chủ quyền của mình” - giọng ông Ngữ nghẹn lại.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ. Ảnh: LÊ PHI
Mong ngày Hoàng Sa trở về với đất mẹ
Nói về Chủ tịch huyện Hoàng Sa, ông Nguyễn Chước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, chia sẻ: “Những lời tâm sự của ông Ngữ đã để lại cho chúng ta cả một sự trăn trở, ưu tư và trách nhiệm khi chủ quyền ta đó nhưng chúng ta không giữ được. Chúng ta cũng không thể trả lời những câu hỏi mà anh ấy đã nói ra. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận sự mất mát lớn lao đó”.
Ông Chước cũng tâm sự ông đã rất nhiều lần cùng ông Ngữ bàn bạc tới việc thành lập các đội nghề cá mang tên Hoàng Sa nhưng ý tưởng ấy vẫn chưa thành hiện thực. “Đà Nẵng có 200 tàu thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Các tàu cá của ta phải luôn đối đầu với Trung Quốc nhưng ngư dân ta vẫn kiên cường, quyết tâm ra khơi gìn giữ, khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Chúng tôi ao ước sẽ có một ngày được đứng ở Hoàng Sa như tiên tổ chúng ta đã từng hiên ngang đứng ở đó” - ông Chước trải lòng.
Nhận xét về ông Đặng Công Ngữ, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện cho biết: “Ông Ngữ là người đã truyền và tiếp lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi có thêm tình yêu mãnh liệt đối với Hoàng Sa. Khi có quyết định ông sẽ về hưu, chúng tôi cũng có phần hụt hẫng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nối bước đấu tranh để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa”.
Còn với tôi, ông vẫn mãi là một lãnh đạo kiên cường trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền của Tổ quốc. Bởi tôi biết ở cương vị chủ tịch huyện Hoàng Sa, giám đốc Sở Nội vụ thì ông đã phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng cảm ơn ông, ông đã không phụ lòng những ngư dân đang bám trụ ngư trường, những người dân đang hằng ngày mòn mỏi mong ngày Hoàng Sa trở về với Tổ quốc. Và chắc chắn một điều rằng dù có về hưu ông vẫn sẽ tiếp tục sát cánh với cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và hành trình để đưa Hoàng Sa về với Tổ quốc.
Tạm biết nhé, “Ông Hoàng Sa” Đặng Công Ngữ!
LÊ PHI
Người của những cải cách mạnh mẽ Không chỉ là một vị chủ tịch cả đời tâm huyết vì Hoàng Sa, với cương vị giám đốc Sở Nội vụ, ông Ngữ còn được biết đến là cha đẻ của một số đề án, quy định mang tính chất đột phá, táo bạo trong cải cách hành chính công ở TP Đà Nẵng như đề án bí mật chấm điểm công chức; công khai xin lỗi dân; thi đua cải cách hành chính giữa các đơn vị... và đặc biệt ông có đóng góp rất lớn trong đề án xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng hiện nay. |