Chưa bao giờ người dân bức xúc và lo lắng đến vậy. Chuyện thực phẩm bẩn bao vây người dân chưa xử lý được thì tiếp đến là vụ cá chết hàng loạt ở ven biển bốn tỉnh miền Trung...
Trước nay ta vẫn quan niệm những người quan tâm tới thời cuộc thường là những trí thức, cán bộ hưu trí, viên chức, doanh nhân... mới ưu thời mẫn thế. Nhưng hiện nay ngay cả những người dân bình thường nhất, từ ông xe ôm, bà bán rau bán cá đến anh công nhân, bảo vệ... cũng đều quan tâm và bức xúc với những sự kiện dồn dập xảy ra trong thời gian qua. Người TP có lợi thế là được tiếp xúc các thông tin sớm nhất. Và họ cũng thoải mái bày tỏ quan điểm của mình.
Những thị dân bình thường nhất...
Họ không chỉ quan tâm tới những chuyện liên quan thiết thân như thực phẩm bẩn bao vây, ô nhiễm môi trường, giá dịch vụ y tế tăng..., mà họ còn quan tâm đến những chuyện thời sự nóng nhất. Như vụ cá chết nổi trắng dọc bờ biển bốn tỉnh bắc miền Trung, chuyện nắng nóng khô hạn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa từng có làm ruộng đồng nứt nẻ, cây trồng chết cháy, trâu bò chết đói chết khát, đến chuyện đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, hạn hán khiến nhiều người dân thiếu cả nước sinh hoạt chứ chưa nói đến việc canh tác, nuôi trồng thủy sản! Rồi chuyện chủ quán cà phê Xin Chào bị khởi tố hình sự, đến chuyện biển đảo của ta bị Trung Quốc lấn chiếm. Mới nhất là cuộc gặp gỡ giữa tân Thủ tướng với các nhà doanh nghiệp cũng được người dân, dù chẳng phải là doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Nhất là những phát ngôn ấn tượng và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
... và những tâm tư, phát ngôn rất thật
Buổi sáng đi bộ thể dục chậm rãi sau mấy cụ hưu trí, chợt nghe một ông hồ hởi nói về chuyện tân Thủ tướng vừa gặp gỡ doanh nghiệp tại TP hôm qua. Một cụ giọng Hà Nội chuẩn: “Ông Thủ tướng mới có vẻ cởi mở, cầu thị, lắng nghe nhưng khá quyết đoán. Trước mắt việc ông ấy chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất một phần trăm gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là tôi chịu lắm”. Một ông giọng Nam rặt: “Ông vốn là giám đốc doanh nghiệp nên ông ủng hộ là phải rồi, chứ còn tôi thì quá lo chuyện hạn hán và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà con tôi ở vùng sông nước mà thiếu nước uống, nhiều chỗ phải mua của bọn lái nước 200.000 đồng/khối, nghe xót xa không chịu được”. Giọng ông già Hà Nội chùng xuống: “Ông biết không, cái công ty sản xuất đồ gỗ cò con của tôi hồi ấy èo uột, sống dở chết dở, chuyện vay ngân hàng khó như lên trời, mà lãi suất mười chín, hai mươi phần trăm nhưng cũng đâu dễ. Nếu hồi đó có được chính sách ưu đãi, chính phủ quan tâm thì tôi đâu phá sản, phải bán hết trả nợ, về ở chung cư tái định cư này. Dù sao tôi cũng mừng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay”.
Ghé chợ Tân Bình mua mấy cái áo, tôi lại nghe lóm được cuộc trò chuyện của mấy bà tiểu thương. Mới 10 giờ sáng mà trời nắng nóng hừng hực, bà bán quần áo nói vọng sang bên hàng vải: “Cái vụ cá biển chết trắng biển miền Trung gần cả tháng mà vẫn chưa có kết luận chính thức lạ quá bà hỉ. Tôi đọc báo thấy ông bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường xin lỗi dân và nhận trách nhiệm nhưng thật khó thông cảm vì bà con sống nhờ biển ngoài ấy khổ quá”. Bà bán vải thở dài: “Sao năm nay trời hành dân mình quá vậy? Hạn hán miền Trung, Tây Nguyên cây cối khô cháy hết, lại còn nhiễm mặn ở miền Tây, dân không có nước sinh hoạt thì lấy nước đâu mà cấy trồng!”.
Khi về gửi xe ở tầng hầm chung cư lại nghe hai anh bảo vệ kiêm giữ xe đang tranh nhau nói đủ thứ chuyện về Trung Quốc. Nào là hàng dạt Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường ta, mua gì cũng gặp hàng Trung Quốc, sợ quá. Một anh nói Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của ta, xây dựng bến cảng, sân bay rồi đưa máy bay, tàu chiến ra đó đe dọa ta, bao vây ta. Họ còn xây đập thủy điện từ thượng nguồn, chặn nước làm cho đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt, nước mặn xâm nhập, cá tôm cạn kiệt... Thật tức ói máu...”.
Chợt có ông giáo viên dạy văn ở cùng tầng với tôi từ trong nhà xe chạy ra, dừng lại đưa thẻ xe, lắng nghe hai anh bảo vệ nói chuyện, ông chép miệng bảo tôi: “Đến các anh bảo vệ mà còn yêu nước nhiệt huyết như thế thì mệnh nước ta chắc cũng không đến nỗi nào”. Rồi ông chào mọi người, chạy vội cho kịp giờ dạy.