Tàu chở dầu UAE mất tích ở eo biển Hormuz

Không rõ chuyện gì đã xảy ra với chiếc tàu chở dầu gắn cờ Panama – vốn neo đậu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - vào tối 13-7 khi nó đi qua eo biển Hormuz, nhưng sự mất tích rõ ràng của nó đã làm dấy lên mối lo ngại trong lúc căng thẳng dâng cao giữa Iran và một số nước phương Tây.

Tàu Riah, dài gần 60m, thường thực hiện các hành trình từ Dubai và Sharjah trên bờ biển phía tây UAE trước khi đi qua eo biển Hormuz và hướng đến Fujairah trên bờ biển phía đông UAE.

Tuy nhiên, một điều gì đó đã xảy ra với chiếc tàu trên sau 11 giờ ngày 13-7, khi nó ngừng phát tín hiệu vị trí của mình, và dữ liệu theo dõi cho thấy vị trí cuối cùng của nó chỉ về phía Iran.

Ông Ranjith Raja thuộc công ty dữ liệu Refinitiv nói với hãng tin AP hôm 16-7 rằng chiếc tàu trên đã không tắt thiết bị theo dõi trong ba tháng thực hiện các chuyến đi vòng quanh UAE.

"Đó là một cảnh báo đỏ", ông Raja nói.

Tàu chở dầu qua eo biển Hormuz. Ảnh: REUTERS

Các tàu chở dầu trước đó đã bị nhắm đến khi khu vực Vịnh Ba Tư chiếm vị trí trung tâm trong cuộc khủng hoảng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Gần đây, Iran đã tăng cường sản xuất và làm giàu uranium vượt mức giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong một nỗ lực gây thêm áp lực buộc châu Âu đưa ra các điều khoản tốt hơn và cho phép họ bán dầu thô ra nước ngoài.

Tuy nhiên, những căng thẳng đó cũng đã khiến Mỹ gửi thêm hàng ngàn binh sĩ, oanh tạc cơ B-52 và chiến đấu cơ tới Trung Đông. Các cuộc tấn công bí ẩn nhằm vào tàu chở dầu và việc Iran bắn hạ một máy bay giám sát không người lái của Mỹ đã làm tăng thêm nỗi lo bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang.

Các quan chức Iran đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về chiếc tàu, và các quan chức ở UAE cũng vậy. Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát vùng biển Trung Đông, từ chối bình luận.

Chủ sở hữu đã đăng ký của tàu Riah, công ty Prime Tankers LLC có trụ sở tại Dubai, nói với AP rằng họ đã bán con tàu cho một công ty khác có tên Mouj Al-Bahar. Một người đàn ông trả lời bằng số điện thoại đã đăng ký với công ty này nói với AP rằng họ không sở hữu bất kỳ tàu nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm