Chuyên sanThe Diplomat vừa đăng tải một phân tích của chuyên gia Steven Stashwick về ý nghĩa của con tàu vận chuyển Tam Sa 2 mà Trung Quốc vừa hạ thủy đối với cục diện tranh chấp ở biển Đông.
Nhiều nguồn tin cho rằng con tàu Tam Sa 2 sẽ được sử dụng để tiếp tế và hỗ trợ cho các căn cứ quân sự phi pháp của Trung Quốc trên các đảo ở biển Đông.
Tàu vận tải mới mang tên Tam Sa 2 của Trung Quốc. Ảnh: INTERNET
Tuy vậy, mặc dù con tàu có thể sẽ cung cấp một số trang thiết bị quân sự, nhưng nó dường như chỉ là một tàu dân sự và không đủ khả năng tiếp ứng cho các căn cứ phi pháp của Trung Quốc trên các đảo trong một cuộc xung đột vũ trang.
Hồi tháng 8, Tân Hoa Xã đã báo cáo chuyến đi đầu tiên của tàu Tam Sa 2 từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Hàm ý của báo cáo Tân Hoa Xã là tàu Tam Sa 2 sẽ chủ yếu phục vụ cho cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm. Do tàu có phạm vi bao trùm toàn bộ biển Đông và cái gọi là thành phố Tam Sa - "thủ phủ" của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp ở biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vì vậy, tàu Tam Sa 2 có khả năng sẽ cung cấp các dịch vụ hậu cần ngoài quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc biển Đông.
Đối với các nhà hoạch định quân sự, chỉ những người nghiệp dư mới nghiên cứu chiến thuật còn các chuyên gia thì nghiên cứu về hậu cần, bởi vì ngay cả những kế hoạch sáng tạo nhất cũng sẽ thất bại nếu một quốc gia không thể tiếp tế đủ cho quân đội. Vì vậy, tin tức về tàu Tam Sa 2 đã dấy lên lo ngại rằng nó sẽ cho Trung Quốc những lợi thế mới so với các bên yêu sách khác trong khu vực.
Theo truyền thông Mỹ, tàu Tam Sa 2 sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho cả dân sự và quân sự. Con tàu có thể sẽ đưa đạn dược và các trang thiết bị khác đến các tiền đồn quân sự phi pháp của Trung Quốc, điều đó sẽ tạo lợi thế lớn cho Bắc Kinh so với các bên yêu sách khác có khả năng cung ứng hậu cần thấp hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, quy mô xây dựng đảo của Trung Quốc lớn hơn tất cả các bên yêu sách khác trong khu vực, điều này có nghĩa là nhu cầu hậu cần của Bắc Kinh vốn dĩ cũng lớn hơn nhiều.
Nhưng tàu Tam Sa 2 và các tàu chị em của nó là tàu dân sự và sẽ không có nhiều giá trị trong việc hỗ trợ các đảo quân sự phi pháp của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang. Dù tàu Tam Sa 2 cũng tương đối to lớn nhưng nó vẫn còn khiêm tốn để trở thành tàu tiếp tế quân sự.
Theo Tân Hoa Xã, tàu Tam Sa 2 dài 128 m và có lượng giãn nước 8.000 tấn, nhỏ hơn tàu khu trục của Hải quân Mỹ với chiều dài hơn 152.4 m và có lượng giãn nước 9.000 tấn. Để dễ so sánh, một tàu vận tải nói chung mà Hải quân Mỹ dùng để tiếp tế cho quân đội cũng phải có lượng giãn nước hơn 40.000 tấn.
Điều quan trọng hơn là cần theo dõi là các tàu tiếp tế thực thụ của Hải quân Trung Quốc ở biển Đông. Trong thời chiến, các tàu vận tải thông thường loại 904 của Trung Quốc, có kích thước gấp đôi tàu Tam Sa 2, có thể sẽ dẫn đầu trong việc cung cấp hậu cần cho các căn cứ biển Đông của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc đã điều động năm trong số các tàu hậu cần trong Hạm đội Nam Hải và đang trang bị một chiếc thứ sáu. Nếu chúng bắt đầu di chuyển, hoặc nếu Trung Quốc điều động nhiều hơn nữa, đó sẽ là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ý định của Trung Quốc trong khu vực.