Thảm cảnh New York: Chết do COVID-19 đã hơn khủng bố 11-9

Tính cả 680 người ra đi vì COVID-19 chỉ trong một ngày 3-4, đến thời điểm này tổng số người chết vì dịch bệnh này ở bang New York đã là gần 3.200 (trong tổng số hơn 7.400 người chết cả nước). Hiện bang New York có tới gần 103.000 ca nhiễm (tăng cả hơn 10.000 ca so với ngày trước), chiếm 37% trong tổng số hơn 277.500 ca nhiễm cả nước.

Khủng bố 11-9 không giết nhiều người bằng COVID-19

Theo lời Thống đốc Andrew Cuomo ngày 3-4, con số người chết vì COVID-19 ở New York lúc này đã vượt qua con số người thiệt mạng trong cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 (gần 3.000 người).

Trong gần 3.000 người chết trong ngày khủng bố 11-9-2001 thì phần lớn là ở tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở TP New York (2.700 người).

Một điểm kiểm tra người ra vào bệnh viện Mount Sinai West ở TP New York, bang New York (Mỹ). Ảnh: NEW YORK TIMES

Với dịch COVID-19 hiện tại, nếu bang New York là điểm nóng nhất nước Mỹ thì TP New York là tâm dịch của bang. Số người tử vong tại TP New York hiện nằm ở mức 2.000 người, chiếm hơn 1/2 của cả bang New York và hơn 1/4 của cả nước.

Theo chuyên gia y khoa Naila Shereen làm việc liên tục qua các bệnh viện ở New York: “Tất cả chúng ta đều biết New York đang rất xấu nhưng chúng ta cũng biết điều tệ nhất vẫn chưa đến”.

Trong khi đó ngày 3-4, họp báo về COVID-19, Tiến sĩ Deborah Birx - điều phối viên phản ứng chống dịch của Nhà Trắng nói nước Mỹ không thể chịu nổi, sẽ không thể vượt qua nổi nếu một điểm nóng COVID-19 nữa như TP New York hiện tại.

Nhà xác, nhà quàn quá tải

Không chỉ bệnh viện mà các nhà xác ở New York đang ngày càng quá tải. TP New York lập ít nhất 45 nhà xác di động để chứa người chết vì COVID-19.

Với số người chết quá nhiều, tình trạng chung của các nhà quàn tại TP New York là không còn chổ để xử lý các thi thể. Cả bốn nghĩa trang ở TP New York phải làm việc 24 giờ mỗi ngày.

Di chuyển thi thể người chết vì COVID-19 bên ngoài bệnh viện ở quận Brooklyn, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 31-3. Ảnh: REUTERS

Hiệp hội Các Giám đốc Nhà quàn bang New York đã đề nghị các chủ nhà quàn ở các nơi khác trong bang đưa dịch vụ đến TP New York để hỗ trợ các đồng nghiệp đang quá tải, theo trang tin Politico.

“Tôi đã nói chuyện với nhiều giám đốc nhà quàn làm công việc này cả 30-40 năm và họ nói chưa bao giờ chứng kiến điều như vậy trong cuộc đời” - theo ông Mike Lanotte, Giám đốc điều hành Hiệp hội.

Nóng ruột chờ hỗ trợ từ liên bang

Cả chính quyền bang New York và chính quyền TP New York đều phàn nàn nguồn lực của chính phủ liên bang đến với địa phương không đủ nhanh.

Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo (trái) và Thị trưởng TP New York - ông Bill de Blasio (kế bên) trong một cuộc họp báo về COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Thống đốc Andrew Cuomo, đến thời điểm đỉnh dịch có thể vào cuối tháng 4, New York cần tới gần 37.000 máy trợ thở. Trước sự chậm chạp của chính phủ liên bang, ông Cuomo nói giải pháp ông đang nghĩ tới là huy động máy trợ thở từ các khu vực ít người nhiễm trong bang chuyển về các khu vực đông bệnh nhân như TP New York.

Từ tuần trước ông Cuomo cũng đề nghị ông Trump triển khai Vệ binh Quốc gia đến kiểm soát việc thực hiện các biện pháp chống lây lan.

Phần mình, ngày 3-4 Thị trưởng TP New York - ông Bill de Blasio một lần nữa kêu gọi chính phủ trung ương khẩn cấp giúp địa phương giải quyết ngay tình trạng thiếu nhân sự y tế và máy trợ thở. Tuần trước TP New York đã đề nghị được cung cấp 3.000 máy trợ thở nhưng vẫn chưa được nhận, theo ông Blasio.

“Tôi nghĩ có thể ở thủ đô Washington người ta nghĩ cần vài tuần để chuẩn bị. Nhưng không phải là vài tuần nữa, giờ chỉ còn tính ngày thôi” - ông Blasio nói khẩn trương.

Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ đến New York đầu tuần rồi để giúp các bệnh viện giảm tải: NEW YORK TIMES

Ông Blasio nói ông đang cần khẩn cấp 1.000 y tá, 450 bác sĩ trong đó có 300 bác sĩ chuyên ngành hô hấp, trong bối cảnh số ca nhiễm tại TP dự kiến sẽ còn tăng cao nữa trong tuần tới. Ông Blasio đề nghị Tổng thống Donald Trump huy động ngay lực lượng quân y.

Dân New York đã tìm tới khẩu trang

Trong nỗ lực nhằm làm chậm lại đà lây, giảm tải cho hệ thống y tế TP đang quá tải, từ ngày 2-4 ông Blasio đã đề nghị toàn bộ người dân New York che mặt khi ra ngoài và khi tiếp xúc với người khác nhưng tránh lạm dụng đến khẩu trang y tế vì để dành cho lực lượng nhân viên y tế.

“Có thể là khăn trùm đầu. Có thể là cái gì đó bạn tự tạo ra ở nhà. Có thể là một cái khăn” - ông Blasio đề nghị.

Người dân New York đã mang khẩu trang ngừa lây nhiễm COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 3-4 Tổng thống Trump cũng nói Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

TS Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia, một thành viên chủ chốt trong đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Mỹ nhận định đeo khẩu trang là một trong hai điều quan trọng giúp người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng, bên cạnh tự cách ly, giãn cách xã hội càng nhiều càng tốt. Theo ông, biện pháp giãn cách xã hội đã dần cho thấy hiệu quả nhưng cũng cảnh báo thời khắc xấu nhất vẫn chưa đến.

TS Birx cũng nói bà không muốn người dân để việc đeo khẩu trang mang lại cho mình cảm giác được bảo vệ, vì biện pháp này chưa chắc bảo vệ được hoàn toàn, mà chỉ là một giải pháp cộng thêm các biện pháp được áp dụng hiện tại như giãn cách xã hội, tăng cường ở nhà.

 

Hiện ít nhất 297 triệu dân ở 38 bang, thủ đô Washington DC, lãnh thổ Puerto Rico đã yêu cầu dân ở nhà. Nhưng vẫn còn 11 bang vẫn còn kiềm chế thực hiện biện pháp này.

Thống đốc các bang North Dakota, South Dakota, Arkansas, Iowa, Nebraska không ủng hộ ý tưởng yêu cầu dân ở nhà. Tại các bang Alabama, Missouri, Oklahoma, South Carolina, Texas, Utah và Wyoming thì chính quyền bang để cho các chính quyền địa phương tự quyết.

Trong tuần, chính quyền TP Laredo, quận Webb, bang Texas đã ra sắc lệnh khẩn cấp buộc người dân phải che mặt và mũi khi ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt 1.000 USD.

Nói với đài CNN ngày 2-4 TS Fauci cũng bày tỏ sự bực bội tại sao vẫn còn có bang chưa áp dụng biện pháp yêu cầu dân ở nhà.

“Tôi không hiểu tại sao nó không diễn ra. Nếu nhìn vào những gì đang xảy ra ở đất nước này, tôi thật không hiểu tại sao chúng ta lại chưa làm điều đó” - ông Fauci nói với CNN.

Ngày 3-4 khi được hỏi về khả năng liệu chính phủ liên bang có ra sắc lệnh yêu cầu người dân toàn quốc ở nhà hay không, Tổng thống Trump vẫn nói ông để chuyện này cho từng bang quyết định. Trước giờ ông Trump vẫn có quan điểm không áp dụng phong tỏa toàn quốc.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm