Thành phố cổ 2.500 năm trong rừng Amazon

(PLO)- Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một thành phố cổ khoảng 2.500 năm trong rừng nhiệt đới Amazon, nơi sinh sống của ít nhất 10.000 người vào thời điểm đó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tạp chí Khoa học ngày 11-1 công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một thành phố cổ bị mất tích có niên đại khoảng 2.500 năm ở Thung lũng Upano thuộc rừng Amazon (thuộc Ecuador), theo đài CNN.

Các nhà nghiên cứu dùng phương pháp viễn thám LiDAR bằng công nghệ cảm biến laser cho thấy địa điểm này là mạng lưới khu định cư và những con đường dài dày đặc nối với nhau.

phát hiện thành phố cổ trong rừng Amazon
Các nhà khảo cổ dùng phương pháp LiDAR phát hiện ra thành phố cổ có niên đại khoảng 2.500 năm bị chôn vùi trong rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: AP

Ông Stéphen Rostain – đồng tác giả nghiên cứu, nhà khảo cổ học và là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cho biết phát hiện này là “đáng kinh ngạc.”

Thành phố cổ có niên đại khoảng 2.500 năm

Theo các tác giả nghiên cứu, trong khoảng từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 300-600 sau Công nguyên, người bản địa ở thung lũng Upano bắt đầu xây dựng các công trình dân cư bằng bùn trên hơn 6.000 gò đất, theo CNN.

Ít nhất có 15 khu phức hợp định cư được tìm thấy.

Tại các vùng đệm trống giữa các khu định cư, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những đặc điểm của đất canh tác, chẳng hạn ruộng thoát nước và ruộng bậc thang. Theo nghiên cứu, bao quanh chúng là mạng lưới các con đường.

Trong đó, con đường lớn nhất rộng 33 feet (10 m) và kéo dài từ 6 đến 12 dặm (10 đến 20 km).

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra những khu phức hợp hoành tráng với cấu trúc lớn hơn. Họ cho rằng những nơi này có chức năng dân sự hoặc thực hiện các nghi lễ.

Ông Rostain cho rằng những người dân bản địa ở đây không phải là những bộ lạc bán du mục lạc vào rừng kiếm thức ăn vì họ có một hệ thống đô thị rõ ràng và có phân tầng xã hội.

Ông Antoine Doriso – nhà khảo cổ và đồng tác giả nghiên cứu tại CNRS - cho biết mặc dù rất khó để ước tính dân số nhưng địa điểm này là nơi sinh sống của ít nhất 10.000 cư dân - và có lẽ lên tới 15.000 hoặc 30.000 vào thời kỳ hưng thịnh, theo hãng tin AP.

Theo các tác giả nghiên cứu, tổ chức tổng thể của thành phố cổ cho thấy “sự tồn tại của kỹ thuật tiên tiến” vào thời điểm đó. Họ kết luận rằng rừng Amazon không chỉ là một khu rừng nguyên sinh như từng được mô tả trước đó.

Những đóng góp mới

Ông Carlos Morales-Aguilar – nhà khảo cổ học cảnh quan tại ĐH Texas ở Austin (Mỹ) - gọi nghiên cứu này là “đột phá”, theo CNN.

Ông Morales-Aguilar cho rằng nghiên cứu trên không chỉ “cung cấp bằng chứng cụ thể về quy hoạch đô thị tiên tiến sớm ở Amazon mà còn góp phần cung cấp sự hiểu biết mới về di sản văn hóa và môi trường của các xã hội bản địa ở khu vực này”.

Ông cho biết thành phố cổ được phát hiện ở Amazon tương tự với các thành phố cổ được tìm thấy trên các khu rừng nhiệt đới ở Panama, Guatemala, Belize, Brazil và Mexico.

Vào năm 2022, nhóm nghiên cứu của ông Morales-Aguilar đã sử dụng phương pháp LiDAR để khám phá một địa điểm rộng lớn ở phía bắc Guatemala.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hàng trăm thành phố cổ, thị trấn và làng mạc cổ xưa nối liền nhau của người Maya. Họ cũng tìm thấy một đoạn đường dài 110 dặm (177 km) trong mạng lưới những con đường mòn bằng đá bao quanh địa điểm này.

Ông Morales-Aguilar cho biết những phát hiện này phản ánh các kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp và quy hoạch đô thị ở miền bắc Guatemala. Ngoài ra, nghiên cứu còn “cung cấp những hiểu biết mới về sự phức tạp của những xã hội sơ khai này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm