Trung Quốc vừa khởi công xây dựng thành phố rừng đầu tiên trên thế giới nhằm đối phó tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Đưa rừng vào thành phố: Tham vọng hoàn hảo
Dự án “Thành phố rừng” đang được xây dựng với quy mô 175 ha, dọc theo bờ sông Liễu Giang ở TP Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là khu vực nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên núi đá vôi đặc sắc.
Thành phố rừng Liễu Châu sẽ là một thành phố “tự cung cấp”, sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo như địa nhiệt và năng lượng mặt trời. Dự án đầy tham vọng này tuyên bố sẽ hấp thụ gần 10.000 tấn khí CO2 và 57 tấn chất thải ô nhiễm mỗi năm, đồng thời sản xuất khoảng 900 tấn ôxy bằng cách bao phủ các tòa nhà, khu công viên và đường phố với gần 1 triệu cây nhỏ và 40.000 cây lớn từ hơn 100 giống loài thực vật khác nhau.
Năng lượng cho thành phố sẽ dựa vào các tấm pin mặt trời trên mái. Các tấm pin này sẽ thu thập năng lượng rồi tái tạo để cung cấp điện cho các tòa nhà, trong khi năng lượng địa nhiệt sẽ điều hòa không khí. Ngoài việc làm sạch không khí, thành phố rừng còn có tác dụng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống tự nhiên ở địa phương, cây cối sẽ trở thành một rào cản tiếng ồn, tạo môi trường sống thân thiện và nâng cao sự đa dạng sinh học trong khu vực, tạo môi trường sống cho chim, côn trùng và các loài động vật nhỏ khác.
Dự án do Công ty Stefano Boeri Architetti có trụ sở ở Ý thiết kế. Công ty này trước đây đã từng thiết kế những tòa nhà phủ xanh tương tự tại Ý, Bỉ và Trung Quốc.
Sau khi được hoàn thành vào năm 2020, thành phố rừng tương lai này sẽ là nơi sinh sống của khoảng 30.000 người. Thành phố bao gồm hơn 70 tòa nhà, có đầy đủ các khu thương mại, khu dân cư, giải trí, một bệnh viện và hai trường học. Dự án mới này sẽ kết nối trung tâm TP Liễu Châu bằng hệ thống tàu điện cao tốc.
“Chúng tôi bắt đầu tưởng tượng đến việc có thể tạo ra một môi trường đô thị từ nhiều khu rừng dọc theo bờ sông. Trung Quốc là một địa điểm hoàn hảo cho một dự án đầy tham vọng này” - ông Stefano Boeri, Chủ tịch Công ty Stefano Boeri Architetti, cho biết. “Tôi thực sự nghĩ rằng đưa rừng vào thành phố là một cách để giảm bớt sự thay đổi khí hậu” - ông phát biểu.
Sau khi được hoàn thành vào năm 2020, thành phố rừng tương lai này sẽ là nơi sinh sống của khoảng 30.000 người. Ảnh: CNET
“Nét thơ ca trong kiến trúc”
“Thành phố rừng” đầu tiên trên thế giới này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc chống lại ô nhiễm và làm sạch không khí, một vấn đề nhức nhối ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Dự án thành phố rừng thể hiện tầm nhìn và tham vọng của Trung Quốc và nếu như thành công, nó sẽ trở thành một ví dụ về thành phố xanh trên toàn thế giới. “Đây là thử nghiệm đầu tiên của một môi trường đô thị trong việc tìm cách cân bằng với thiên nhiên” - ông Boeri nói.
Ngoài ra, theo ông Boeri, bên dưới những tán cây cối thì hình dáng cong của những tòa nhà chính là nét “thơ ca trong kiến trúc” và tạo thành “một dòng chảy của thiên nhiên”.
Ngoài “thành phố rừng”, các khu phức hợp thân thiện với thiên nhiên khác cũng đang được công ty của ông Boeri tiến hành xây dựng ở Nam Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Theo báo The Guardian, dự án “thành phố rừng” tiếp theo của Trung Quốc có thể sẽ được xây dựng gần Thạch Gia Trang, một trong những khu vực bị ô nhiễm nhất Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề đáng báo động ở Trung Quốc. Tại thủ đô Bắc Kinh, ô tô không điều khiển được vì sương mù, hàng loạt chuyến bay bị hủy, nhiều trường học cũng phải tạm thời đóng cửa. Trong những tháng mùa đông, mức độ ô nhiễm không khí tăng cao hơn vì nhiều hộ gia đình đốt than để sưởi ấm. Không khí có liên quan đến một phần ba số người chết mỗi năm ở Trung Quốc với khoảng 1,1 triệu người thiệt mạng và ước tính sẽ cắt giảm tuổi thọ của dân số quốc gia xuống 5,5 lần. Những nơi ô nhiễm nặng nề nhất có thể kể tới là Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc. Chính quyền Bắc Kinh đang cấm những phương tiện dùng xăng gây ô nhiễm lưu thông trong TP. Với “thành phố rừng” ở Liễu Châu, Công ty Stefano Boeri Architetti hy vọng mô hình kiến trúc bền vững này sẽ được nhân rộng khắp Trung Quốc. |