Theo công văn này, thời gian vừa qua báo chí có các bài viết về vụ án xảy ra tại Công ty CP VN Pharma, phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Ngày 29-8, Bộ Y tế đã có Văn bản số 949 báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ này trong vụ việc Công ty CP VN Pharma.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với bảy loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất. Đồng thời, thanh tra cả việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty CP VN Pharma trước khi xảy ra vụ án. Kết quả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12.
Như chúng tôi đã thông tin, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị làm rõ mọi góc khuất của việc cấp phép cho nhập thuốc ung thư H-Capita và việc Bộ Y tế cho rằng đây là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả
Lý giải về điều này, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 30-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng căn cứ theo Luật Dược 2005 (khoản 23, 24 Điều 2) và kết quả giám định của hội đồng giám định Bộ Y tế thì lô thuốc H-Capita này chỉ là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế, chống buôn lậu, hàng giả lẫn chuyên gia pháp lý lại có ý kiến khác. Các chuyên gia cho rằng có các căn cứ để cho rằng lô thuốc H-Capita trên là hàng giả khi ngay trong kết luận của cơ quan điều tra và hội đồng giám định nêu rõ lô thuốc này không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đây là thuốc không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Các chuyên gia cũng cho rằng hành vi của VN Pharma có dấu hiệu cấu thành của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 156 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan tố tụng cần xem xét đúng bản chất vụ án, truy tố, xét xử hành vi phạm tội vụ VN Pharmar đúng bản chất của nó.
Hiện vụ việc đang được VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét để làm rõ các vấn đề tố tụng liên quan.
Bảy loại thuốc được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký Bảy loại thuốc do Helix Pharmaceuticals sản xuất và được VN Pharma nhập khẩu đã bị rút đăng ký gồm: H2K Cirprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100 ml); H2K Cirprofloxacin 400 (hoạt chất Cirprofloxacin 400 mg/200 ml); H2K Levofloxacin 250 (hoạt chất 250 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500 mg/100 ml); H2K Levofloxacin 75 (hoạt chất Levofloxacin 750 mg/100 ml); H-Cipox 200 (hoạt chất Cirprofloxacin 200 mg/100 ml) và H-Levo 500 (hoạt chất Levofloxacin 500 mg/100 ml). Sau khi Bộ Y tế rút đăng ký bảy loại thuốc của VN Pharma, Sở Y tế TP.HCM cũng rút hai mặt hàng thuốc của Công ty CP VN Pharma đã trúng thầu tại Sở từ tháng 5-2014 do chỉ có giấy phép nhập chuyến, không được phép tham gia đấu thầu. Đó là thuốc Bipando (trúng thầu gần 1,5 triệu viên với giá gần 10 tỉ đồng) và thuốc Peptan 40 mg dạng tiêm truyền do một đơn vị thành viên của VN Pharma và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I trúng thầu gần 182.000 lọ với giá gần 6 tỉ đồng. |