Ngoài việc khan hiếm các chân sút nội do ngoại binh chiếm hầu hết suất đá tiền đạo ở CLB, ông còn băn khoăn đến khả năng một số học trò mắc bệnh tự mãn, thiếu nỗ lực khi lên tuyển sau những thành công lớn trong hơn hai năm qua.
Không rõ ông Park có ẩn ý sâu xa gì đến thất bại của đội tuyển U-23 Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á hồi đầu năm, cũng là pha vấp ngã đầu tiên của học trò, bên cạnh việc họ mất sức nhiều vì mới đoạt ngôi vô địch SEA Games 30? Lẽ dĩ nhiên, nếu không có lửa sao có khói, hoặc có thể ông Park thấu hiểu những biểu hiện tâm lý bình thường của cầu thủ thời ông còn nếm trải thăng trầm với bóng đá Hàn Quốc?
Thời của ông Park gặt hái nhiều chiến tích đã che đậy rất khéo léo bất ổn nhỏ vì không quá ảnh hưởng đến nội tình các đội tuyển quốc gia. Người trong cuộc cũng không ngây thơ vạch áo cho người ngoài xem lưng và thường tự đóng cửa bảo nhau.
Ông Park luôn nhắc nhở các học trò giữ mình trong mọi hoàn cảnh và rất tự hào sức mạnh của tuyển Việt Nam là khi tất cả đều cùng nhìn về một hướng. Nhưng nỗi vương vấn cầu thủ mắc bệnh kiêu binh và xao nhãng trên sân bóng là không thừa, bởi nó có thể hủy hoại đi những cá tính đẹp đẽ mà thầy Park dày công gầy dựng trong một thời gian dài.
Dĩ nhiên, ông Park không thỏa hiệp với thái độ ngạo mạn dễ đánh mất mình của học trò và không phải vô cớ ông cảnh báo họ trước những đợt hội quân mới. Các đời tiền nhiệm của thầy Hàn đã từng thấm thía hoặc chính trải nghiệm của bản thân hy vọng sẽ giúp ông tạo ra phương thuốc hay đặc trị bệnh cầu thủ tự mãn sau nhiều lần trèo lên nhiều đỉnh cao ở Đông Nam Á và châu Á.