Cách đây nửa tháng, VFF đã giao chỉ tiêu cho U-23 Việt Nam tại vòng chung kết châu Á khi gặp U-23 Úc, Hàn Quốc và Syria là chỉ có điểm, nghĩa là một điểm cũng hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn sang bảng của Thái Lan có Nhật, Triều Tiên và Palestine cũng rất cứng cựa nhưng đáng nói là họ chuẩn bị rất chu đáo, hướng tới mục tiêu cao hơn.
Thái Lan tổ chức giải M-150 tập huấn chất lượng. Họ đưa U-23 Thái Lan nằm cùng bảng với U-23 Nhật và Triều Tiên để chơi hết mình và xem giò đối thủ, không ngại bảng B nhẹ ký hơn gồm U-23 Uzbekistan, Việt Nam và Myanmar.
Vấn đề của Thái Lan là luôn khao khát vươn đến cái đích cao hơn nên họ không ngần ngại va chạm và đặt ra chỉ tiêu lớn để phấn đấu. Nhìn vào các bảng tại vòng chung kết U-23 châu Á, rõ ràng Thái Lan, Việt Nam và cả Malaysia đều là những đội… yếu kém, nếu không muốn nói là lót đường. Nhưng nếu chúng ta cứ chấp nhận thân phận yếu kém mà không tính cửa quật khởi, không nỗ lực hết mình thì làm sao gây đột biến?
Có thể VFF nêu ra mục tiêu nhẹ nhàng cho HLV Park Hang-seo nhằm giảm áp lực cho cầu thủ. Nhưng nói thế có nghĩa là U-23 Việt Nam chịu bị loại mà không tính đến cơ hội vào tứ kết, là chấp nhận đầu hàng từ trước khi bóng lăn.
Bóng đá Đông Nam Á chơi vòng chung kết châu lục thường bị ví von ra ngõ gặp núi, nhưng thay vì tìm cách vượt núi thì ta lại ngại ngùng buông xuôi.