TS Lương Hoài Nam, một người có hơn 20 năm gắn bó với ngành hàng không và cũng là người được ví như “cha đẻ” của dịch vụ hàng không giá rẻ ở Việt Nam đã nhảy sang đầu tư và kinh doanh du lịch. Ông đã chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về những dự án mới cũng như những vấn đề còn băn khoăn của ngành hàng không, du lịch hiện nay.
Hàng không tăng trưởng mạnh
. PV: Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo trong các hãng hàng không, từ Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và cả Air Mekong, ông có nhận xét gì về ngành hàng không trong nước?
+ Thị trường hàng không Việt Nam đã trở thành một thị trường lớn, tăng trưởng nhanh. Đường bay Hà Nội - TP.HCM đã nằm trong danh sách các đường bay nhộn nhịp nhất thế giới. Các sân bay Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Cam Ranh... có số chuyến bay cao gấp nhiều lần 10 năm trước đây. Tôi rất vui đã có điều kiện tham gia đóng góp cho sự phát triển đó qua các vị trí, công việc khác nhau.
. Được biết ông là người đầu tiên đưa ra mô hình hàng không giá rẻ ở Việt Nam đầu năm 2007?
+ Khi Pacific Airlines chuyển sang mô hình hàng không giá rẻ vào ngày 13-2-2007, có nhiều ý kiến nghi ngại liệu có mô hình kinh doanh hàng không như vậy. Một vị lãnh đạo khi đó nói thẳng với tôi: “Vé máy bay 15.000 đồng các cậu nói chắc là lừa đảo chứ làm gì có thật như thế?”. Tôi trả lời ông: “Trên thế giới người ta làm rồi, thật, không hề lừa đảo gì cả. Sẽ có giá vé 15.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và nhiều giá vé rẻ khác so với các mức giá trước đây!”.
Du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn quá ít so với tiềm năng. Ảnh: HTD
Nếu coi giá vé máy bay nội địa, quốc tế dưới 500.000 đồng là rẻ thì từ 2007 đến nay các hãng hàng không Việt Nam đã bán ra hàng triệu vé máy bay giá rẻ như vậy. Đó là thực tế, không có bất kỳ sự dối trá, lừa đảo nào cả. Việc này đã tạo cơ hội đi lại bằng máy bay cho rất nhiều người dân đi máy bay, trong đó có nhiều người lần đầu tiên bước chân lên máy bay.
Có thể nói việc nhập khẩu mô hình hàng không giá rẻ vào Việt Nam từ năm 2007 đã tạo ra sự bùng nổ thị trường vận tải hàng không. Đó là điều đáng phấn khởi.
Du lịch - thị trường còn quá hẹp
. Chuyển qua về du lịch, đến bây giờ còn điều gì khiến ông chưa thỏa mãn?
+ Nói chung, khi hàng không Việt Nam đã tăng trưởng mạnh thì du lịch Việt Nam lại chưa cất cánh. Tôi đã băn khoăn, trăn trở về du lịch từ lâu. Trăn trở lớn nhất đó là thị trường du lịch Việt Nam còn nhỏ quá. Nếu nói về tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái, Việt Nam thuận lợi hơn nhiều so với các nước xung quanh (như Thái Lan, Malaysia, Singapore…). Thế nhưng số khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam hằng năm lại quá ít so với họ.
Theo báo cáo của các cơ quan du lịch, Việt Nam mỗi năm đón trên dưới 7 triệu lượt khách. Thế nhưng cách tính của cơ quan quản lý lại bao gồm rất nhiều đối tượng không phải khách du lịch nước ngoài: những người buôn bán qua biên giới, những người vào Việt Nam với mục đích đầu tư, kinh doanh... Tôi ước tính lượng khách nước ngoài vào Việt Nam du lịch hiện tại chỉ khoảng trên dưới 5 triệu người mỗi năm. Mức này thì chỉ bằng 1/4-1/3 của Thái Lan, Malaysia, Singapore… Bên cạnh ta, Campuchia cũng đã đạt 4 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm.
. Vậy theo ông, giải pháp nào để thị trường du lịch tăng trưởng?
+ Cần nhiều giải pháp đồng bộ. Một yếu tố quan trọng là Việt Nam cần nới lỏng các quy định về visa du lịch để du khách có thể đến Việt Nam dễ dàng. Thứ hai là Việt Nam hiện chưa có một cơ quan tiếp thị du lịch một cách quy củ và có tiềm lực tài chính. Chúng ta chỉ bỏ ra một khoản tiền rất nhỏ, tổ chức manh mún để quảng bá điểm đến, thông tin về du lịch Việt Nam chưa đến được với đông đảo du khách nước ngoài. Cần phải tổ chức lại hoạt động quảng bá du lịch, từ bộ máy đến nguồn tài chính. Nếu nói ví von, “ta đẹp mà không khoe ra thì chẳng ai biết ta đẹp”.
Một vấn đề của ngành du lịch là nguồn lực hướng dẫn viên có đủ trình độ, năng lực để phục vụ số lượng lớn du khách nước ngoài thì ở Việt Nam chưa đáp ứng được. Ta bảo không cho các công ty nước ngoài mang theo hướng dẫn viên du lịch nước ngoài vào nhưng ta đã có đủ hướng dẫn viên du lịch đạt tiêu chuẩn đâu, đặc biệt đối với các ngoại ngữ không thông dụng ở Việt Nam? Với quy mô 5 triệu khách mỗi năm đã chưa đủ, chưa nói đến mục tiêu 10, 15, 20 triệu khách mỗi năm.
. Xin cảm ơn ông.
MAI PHƯƠNG
Trang web du lịch đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam Gotadi.com là dự án mới mà ông Lương Hoài Nam và HG Travel hợp tác đầu tư. Theo ông Nam, nếu xét về dịch vụ du lịch thì Gotadi.com giống như các trang du lịch trực tuyến nổi tiếng trên thế giới khác. Hiện Gotadi.com có khoảng 900 hãng hàng không trên khắp thế giới, hơn 2.000 khách sạn ở Việt Nam, hơn 400.000 khách sạn ở nước ngoài. Với quy mô này thì Gotadi.com không hề thua kém, thậm chí mạnh hơn nhiều trang du lịch trực tuyến của nước ngoài. |