Thổ Nhĩ Kỳ dọa 'dọn sạch' trại tị nạn người Kurd sâu trong lãnh thổ Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ tấn công một trại tị nạn sâu bên trong lãnh thổ Iraq mà chính quyền Ankara coi là nơi trú ẩn của các tay súng người Kurd, hãng tin Reuters cho hay.

Mục tiêu mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới là trại tị nạn ở huyện Makhmour, tỉnh Erbil thuộc khu tự trị người Kurd của Iraq, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 180 km về phía nam.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc trại Makhmour là “nơi ấp dưỡng”, là thành trì của các tay súng người Kurd và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Ankara. Do đó, ông Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải xử lý trại tị nạn này. 

Trại tị nạn Makhmour (Iraq) - Ảnh chụp năm 2016. Ảnh: REUTERS

“Nếu Liên Hợp Quốc (LHQ) không dọn sạch trại này, chúng ta (tức Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ làm điều đó với tư cách một thành viên LHQ” - ông Erdogan nói trong một chương trình được phát vào tối 1-6 trên sóng truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ TRT.

Một quan chức cấp cao của Iraq tiết lộ với Reuters rằng tuần trước, Ankara đã phàn nàn với chính quyền Baghdad về “các hoạt động khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ do (nhóm dân quân đảng Công nhân người Kurd) PKK thực hiện từ trại của lực lượng này ở Makhmour”.

Phía Iraq đã điều tra thông tin do phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Giới chức Iraq nói rằng các tay súng PKK đang kiểm soát trại Makhmour và cáo buộc lực lượng này ngăn cản các quan chức địa phương tiếp cận trại tị nạn này.

Chính phủ Iraq chưa có bình luận về thông tin này.

Trại Makhmour được thành lập năm 1998 và nhận được sự hỗ trợ từ Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR). Trong hơn 20 năm qua, trại tị nạn này đã tiếp nhận hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ chạy loạn sang Iraq.

Năm ngoái, trại tị nạn này đã bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không kích. Chưa có báo cáo về thương vong.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng không kích trại tị nạn Makhmour là một ưu tiên của Ankara. Người này giải thích rằng “trại Makhmour được sử dụng như một trong các trung tâm hậu cần trong các cuộc tấn công (của PKK) nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ”.

PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, các đồng minh châu Âu và nhiều nước khác coi là tổ chức khủng bố trong khi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… lại không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhiều vũ khí của PKK có nguồn gốc từ Mỹ và các nước châu Âu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm