Theo tờ trình, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội…
Duy trì 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ
Tờ trình cũng cho biết, Chính phủ cũng xem xét, thảo luận kỹ lưỡng phương án đổi tên, sắp xếp thu gọn đầu mối một số bộ ngành. Tuy nhiên do bối cảnh COVID-19, cần duy trì tính ổn định bộ máy để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, an sinh đời sống người dân.
Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận và chỉ đạo: “Trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”.
Do đó, Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV.
Kỳ họp I, Quốc hội khoá XV sáng 22-7 sẽ nghe Chính phủ sẽ trình cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TP
Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm: 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ.
Cụ thể, 18 Bộ gồm : Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
4 cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Tờ trình khẳng định thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các Bộ, ngành.
Đồng thời, nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trong tình hình mới. Từ đó, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét sắp xếp lại các bộ ngành có chức năng tương đồng theo tinh thần chỉ đạo Trung ương và Nghị quyết Quốc hội, trình cấp thẩm quyền quyết định.
Nhân sự Chính phủ gồm những ai?
Trước đó tại cuộc họp báo về kỳ họp I - Quốc hội khoá XV (ngày 17-7), Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay tại kỳ họp lần này, các chức danh được kiện toàn đã được báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thông qua các đề án liên quan đến các chức danh của Quốc hội cũng như Chính phủ. Theo đó, trước mắt tổ chức bộ máy cơ cấu Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh, gồm Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
“Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã định hướng và cho ý kiến về đề án đối cơ cấu Chính phủ, trước mắt có 4 phó thủ tướng”- bà Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thanh trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ có cơ cấu 1 Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, trong đó một Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Từ kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIV, chức danh phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã được phân tách ra. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh không đồng thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Bùi Thanh Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Trao đổi thêm về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp I, Quốc hội sẽ kiện toàn 4 Phó Thủ tướng, giảm 1 Phó Thủ tướng và cơ bản các Phó Thủ tướng được giới thiệu để tái cử.
Kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIV đã phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TP
Trước đó tại kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIV đã bầu ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đồng thời phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
5 Phó Thủ tướng của Chính phủ hiện nay (nhiệm kỳ 2016-2021) gồm các ông: Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Trong các Phó Thủ tướng, có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII do hết tuổi.
22 thành viên Chính phủ còn lại (18 bộ trưởng, 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ) gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng KHCN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.