'Không phải tất cả quán tại TP Thủ Đức và quận 7 được bán rượu bia'
Chiều 28-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.
Tại buổi họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến việc mở lại các hoạt động đối với trung tâm tiệc cưới trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
“Theo công văn về việc mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, các quy định mới sẽ không áp dụng đối với hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch. Công văn nêu rõ, Sở Du lịch sẽ hướng dẫn về hoạt động của nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, nhưng chưa nhắc đến hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới?”- Phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết dù có văn bản mới quy định về hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ, các hệ thống nhà hàng tiệc cưới sẽ vẫn tuân thủ theo các quy định của Chỉ thị 18.
Đó là các tiệc cưới tổ chức ngoài trời có quy mô dưới 15 người; trường hợp 90% người tham gia tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thì được tổ chức với số lượng 90 người.
Theo ông Tú, điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở tổ chức tiệc cưới được hoạt động sau 21 giờ hàng ngày, được kinh doanh đồ uống có cồn.
Trước đó, TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí mới, trong đó qui định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại nếu đáp ứng các tiêu chí tương ứng với từng đối tượng, bao gồm: cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở, nhân viên phục vụ và khách hàng.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Liên quan đến việc thí điểm bán thức uống có cồn ở quận 7 và TP Thủ Đức, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết không phải tất cả các quán tại quận 7 và TP Thủ Đức được bán rượu, bia. “Mà quận 7 và TP Thủ Đức cần căn cứ tình hình thực tế của địa bàn để quyết định nơi nào được bán rượu bia, nơi nào không” – ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng các quy định mới của UBND TP.HCM chỉ là khung chung, các địa bàn có thể đặt ra những yêu cầu thêm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. “Sau khi thực hiện thí điểm bán rượu, bia tại quán ăn tại chỗ ở quận 7 và TP Thủ Đức đến hết ngày 15-11, TP.HCM sẽ đánh giá tình hình thực tiễn để xem xét mở rộng hoạt động này ở địa phương khác” – ông Tú nói.
Ông Tú nói thêm: khi để xảy ra việc vi phạm sử dụng rượu bia tại nơi chưa được phép, chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính tại các cơ sở này.
Trước đó, UBND TP đã ban hành văn bản khẩn gửi các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức cho phép mở lại dịch vụ kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ. Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ được mở lại từ ngày 28-10.
(PLO)- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ hai điều kiện là không cho khách sử dụng đồ uống có cồn và đáp ứng bốn tiêu chí an toàn.