TP Thủ Đức dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021

Sáng 24-12, Bộ Nội vụ và UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp lần thứ hai ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (dự thảo nghị định).
Cần cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức
Dự thảo nghị định gồm tám chương với 46 điều quy định tổ chức và hoạt động của UBND quận và phường, chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận và phường; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND quận và phường; về lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường. Hay về tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Liên quan đến thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, dự thảo nghị định dành một chương nói về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP thuộc TP.HCM. Trong đó có một điều quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của UBND TP thuộc TP.HCM.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền TP Thủ Đức, UBND TP.HCM đã đề xuất trung ương cho phép TP Thủ Đức có tối đa bốn phó chủ tịch, 13 phòng ban chuyên môn, trong đó 10 phòng theo Nghị định 108 và ba cơ quan khác.
Riêng về nội dung cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, ông Phong cho biết TP sẽ có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng. “Trong thời điểm các chính sách đặc thù chưa thể triển khai, TP sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất cho đơn vị hành chính mới này” - ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Phong cũng cho biết TP sẽ hỗ trợ người dân các quận 2, 9 và Thủ Đức trong chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập. Lộ trình hỗ trợ việc chuyển đổi giấy tờ sẽ được nêu cụ thể vào ngày 31-12, tại lễ công bố nghị quyết thành lập TP Thủ Đức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: TÁ LÂM

211,56 km2 là diện tích tự nhiên của TP Thủ Đức với quy mô dân số hơn 1 triệu người.

TP Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM), tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. 

Sẽ có lộ trình sắp xếp lại công chức
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết ban soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ cho phép số lượng cấp phó của UBND TP Thủ Đức là bốn người. Vì theo quy định hiện nay thì đơn vị hành chính cấp quận số lượng cấp phó tối đa chỉ là ba người. “TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng ở một mức độ cao, đó là TP thuộc TP, một mô hình mới nên ban soạn thảo thống nhất trình Chính phủ bốn phó chủ tịch trong UBND TP Thủ Đức” - ông Tuấn lý giải.
Và khi sáp nhập thì số phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng như cấp phó của các cơ quan chuyên môn, do trên cơ sở ba quận nhập lại nên phải được sắp xếp, đảm bảo theo đúng lộ trình. Trong đó cần chú ý đảm bảo được chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức và bố trí cho phù hợp. “Nói nôm na là phải đảm bảo sự ổn định trong quá trình mới thành lập” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị hành chính khi sáp nhập về nguyên tắc phải đảm bảo có lộ trình và sau đó TP.HCM phải chỉ đạo giao Sở Nội vụ phối hợp với TP thuộc TP xây dựng danh mục việc làm trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi quản lý cùng với vị trí việc làm để xác định biên chế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trước mắt, cố gắng bố trí làm sao đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập.
“Khi TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021 thì các quận mới hết trách nhiệm của mình. Các hoạt động ở đơn vị hành chính mới vẫn diễn ra một cách liên tục, đáp ứng và giải quyết các nhu cầu của người dân, không để bị đình trệ hoặc ách tắc” - ông Tuấn nói.
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM cũng cho biết TP Thủ Đức dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021. Tại thời điểm này, HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ.

Cần có Phòng Khoa học - Công nghệ trong TP Thủ Đức

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Thủ Đức sau khi hình thành sẽ đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, nên cần thiết phải thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ. “Phòng chức năng này có vai trò định hướng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cơ quan hành chính mới” - ông Phong nói.

Ông cũng mong muốn trung ương cho phép TP Thủ Đức được thực hiện nhiệm vụ cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM sẽ là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và mở rộng phát triển các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm