Thử thành công tên lửa 'có một không hai', ông Putin nói Nga có thể khiến các đối thủ phải 'suy nghĩ kỹ lại'

(PLO)- Ông Putin cho biết Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, nói loại vũ khí có khả năng mang hạt nhân này sẽ khiến các đối thủ của Điện Kremlin phải “suy nghĩ kỹ lại”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, đồng thời nói loại vũ khí có khả năng mang hạt nhân này sẽ khiến các đối thủ của Điện Kremlin phải “suy nghĩ kỹ lại”, theo hãng tin Reuters.

Chi tiết vụ phóng

Cụ thể, đài RT cho biết ngày 20-4, tên lửa Sarmat được phóng từ Plesetsk và bay qua toàn bộ chiều dài nước Nga, trước khi tiếp cận một mục tiêu trên bán đảo Kamchatka ở viễn đông.

Ông Putin cho biết Sarmat “có các đặc tính kỹ chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua tất cả các phương tiện phòng thủ chống tên lửa hiện đại. Hiện trên thế giới không có, và cũng sẽ không có được thứ vũ khí nào tương tự trong một thời gian dài nữa".

Hình ảnh từ vụ thử tên lửa Sarmat. Ảnh: REUTERS

Hình ảnh từ vụ thử tên lửa Sarmat. Ảnh: REUTERS

"Loại vũ khí thực sự độc đáo này sẽ tăng cường tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang của chúng tôi, là yếu tố đáng tin cậy để đảm bảo an ninh Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và khiến cho những ai cố gắng đe dọa đất nước chúng tôi phải suy nghĩ lại" - ông Putin nói.

Được thiết kế để thay thế ICBM R-36 hiện có, Sarmat có thể mang nhiều vũ khí hơn và có thể được trang bị đầu đạn siêu thanh mới - Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Cũng trong ngày 20-4, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Dmitry Rogozin - người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos, cho biết các lực lượng hạt nhân của Nga sẽ bắt đầu giao tên lửa mới "vào mùa thu năm nay" sau khi quá trình thử nghiệm hoàn tất.

Sarmat đã được phát triển trong nhiều năm và do đó, việc phóng thử của nó không phải là điều bất ngờ đối với phương Tây. Tuy nhiên, thời điểm này khá nhạy cảm khi căng thẳng địa chính trị liên quan xung đột ở Ukraine đang ở đỉnh điểm, theo Reuters.

Lầu Năm Góc lên tiếng

Cùng ngày, đại diện Lầu Năm Góc nói với các phóng viên rằng vụ thử tên lửa mới nhất là một cuộc thử nghiệm theo thường lệ và không phải là mối đe dọa đối với Mỹ. Điều này cũng không gây nguy hiểm vì Moscow đã thông báo trước khi tiến hành thử nghiệm, theo Reuters.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: POLITICO

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: POLITICO

“Nga đã thông báo chính xác cho tôi theo các nghĩa vụ trong hiệp ước NEW START về kế hoạch thử ICBM” - phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là một cuộc thử nghiệm theo thường lệ và Bộ Quốc phòng Mỹ coi đó “không phải là một mối đe dọa”.

Ý nghĩa chiến lược của vụ thử

Theo ông Douglas Barrie - chuyên gia cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, vụ phóng là một cột mốc quan trọng đối với Nga sau nhiều năm trì hoãn do các vấn đề kinh phí và các khó khăn trong khâu thiết kế.

Ông cho biết sẽ cần nhiều cuộc thử nghiệm hơn nữa trước khi Nga thực sự có thể triển khai nó thay cho các tên lửa SS-18 và SS-19 đã cũ.

Theo chuyên gia Barrie, khả năng mang hơn 10 đầu đạn và mồi nhử của Sarmat, và việc Nga có thể bắn nó qua một trong các cực của Trái Đất, đặt ra thách thức đối với các hệ thống theo dõi và radar trên mặt đất cũng như vệ tinh.

Ông Jack Watling - thành viên nhóm nghiên cứu RUSI (Anh) cho biết vụ thử mang tính biểu tượng khi nó diễn ra giữa căng thẳng ở Ukraine và chưa đầy ba tuần trước cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng - nơi Nga sẽ phô diễn vũ khí mới nhất của mình.

"Thời gian thử nghiệm phản ánh việc người Nga muốn có thứ gì đó để thể hiện như một thành tựu công nghệ trước Ngày Chiến thắng, vào thời điểm mà rất nhiều công nghệ của họ không mang lại kết quả như họ mong muốn" - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm