Ngày 1-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ, theo đài RT.
Ông Ryabkov lưu ý rằng Moscow không ảo tưởng về quan hệ Nga-Mỹ, xét đến “sự đồng thuận lưỡng đảng” ở Mỹ trong việc chống lại Nga.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với quốc gia này [Mỹ]. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi đang gửi mọi tín hiệu cảnh báo tới đối thủ để họ không đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi” - ông Ryabkov nói.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Nga sẽ không thảo luận về việc ký một hiệp ước mới với Mỹ nhằm thay thế hiệp ước New START về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược, sẽ hết hạn vào năm 2026.
New START là thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Moscow và Washington.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quá trình đàm phán hiệp ước mới giữa hai nước phải tính đến cơ sở hạ tầng hạt nhân quân sự ở châu Âu.
“Chúng ta phải nhìn nhận một cách tỉnh táo về tình hình đã phát triển và tính đến tất cả các khía cạnh mới trước khi tổ chức quá trình đàm phán. Đối với chúng tôi, có vẻ như sẽ là vô lý nếu khăng khăng tiến hành các cuộc đàm phán như vậy mà giả vờ như không có gì xảy ra. Nga sẽ không làm như vậy” - ông Peskov nói thêm.
Mỹ chưa lên tiếng về các phát ngôn từ phía Nga.
Các bình luận từ phía Nga được đưa ra một tháng sau khi Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ đang cố gắng duy trì sự thống trị bằng mọi giá và tìm cách gây ra thất bại chiến lược cho Nga.
Theo RT, quan hệ song phương Nga-Mỹ, vốn đã trải qua những thăng trầm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã suy giảm nghiêm trọng sau khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Quan hệ hai nước tiếp tục đi xuống kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022. Phía Nga chỉ trích việc Nhà Trắng cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev, cáo buộc Washington đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc giao tranh đang diễn ra.