Thủ tướng Pakistan lo lắng về kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ

Ngày 18-8, Thủ tướng Pakistan Imran Khan có động thái lên tiếng về kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Theo ông, thế giới cần nghiêm túc lưu ý đến sự an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ, đặc biệt sau khi nước này vừa tuyên bố có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình.

“Thế giới cũng phải nghiêm túc lưu ý đến sự an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ dưới sự kiểm soát của chính phủ Modi. Đây là vấn đề ảnh hưởng không chỉ đến khu vực mà đến cả thế giới” - Thủ tướng Imran Khan viết trên Twitter.

Tên lửa hạt nhân chiến lược Agni-IV của Ấn Độ. Đây là loại tên lửa đáng sợ nhất hiện nay của Ấn Độ, có tầm bắn lên tới 4.000 km, đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Pakistan cũng như một số thành phố chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: AP

Ngày 16-8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố nước này có thể có thay đổi về chính sách liên quan đến vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia hạt nhân năm 1998.

“Pokhran là nơi đã chứng kiến sự quyết tâm của ông Atal Ji đưa Ấn Độ thành một quốc gia hạt nhân và tới nay Ấn Độ vẫn nghiêm khắc tuân thủ học thuyết “Không sử dụng đầu tiên” (không là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân). Ấn Độ đã tuân thủ nghiêm ngặt học thuyết này. Điều gì xảy ra trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh” - ông Singh viết trên Twitter.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Ảnh: AFP

Pokhran-II là chuỗi năm vụ thử hạt nhân do Ấn Độ thực hiện tại khu vực thử nghiệm Pokhran của quân đội Ấn Độ vào tháng 5-1998, khi ông Atal Bihari Vajpayee làm thủ tướng Ấn Độ. Đây là lần thử hạt nhân thứ hai của Ấn Độ.

Hành động này của Ấn Độ đã buộc Pakistan thực hiện năm vụ thử hạt nhân dưới lòng đất cùng lúc chỉ hai tuần sau đó.

Căng thẳng giữa hai quốc gia hạt nhân leo thang mạnh đầu tháng này sau khi Ấn Độ tuyên bố hủy quy chế đặc biệt của bang Jammu and Kashmir. Pakistan phản đối mạnh quyết định của Ấn Độ vì dù bang Jammu and Kashmir thuộc Ấn Độ nhưng nằm trong phần lãnh thổ Kashmir đang được tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm