Thuật toán của Facebook về nội dung cực đoan bị tố có thể gây bất ổn toàn cầu

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Frances Haugen – cựu giám đốc sản phẩm của Facebook – ngày 25-10 cho biết Facebook sẽ gây ra tình trạng bất ổn bạo lực hơn trên toàn thế giới, trừ khi công ty ngừng các thuật toán vốn chưa siết chặt các nội dung cực đoan và gây chia rẽ.

Chia sẻ với Quốc hội Anh hôm 25-10, bà Haugen cho biết bà được truyền động lực từ các kế hoạch của Anh nhằm buộc các công ty công nghệ lớn phải xử lý nội dung có hại trên nền tảng của họ.

Bà Frances Haugen – cựu giám đốc sản phẩm của Facebook. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, bà Haugen hôm 25-10 cho biết Facebook coi sự an toàn trên không gian mạng là một điều người dùng phải trả tiền để có được, cũng như công ty đã ủng hộ một nền văn hóa khởi nghiệp trong đó coi “đốt cháy giai đoạn” là một việc tốt. 

“Với việc tập trung vào thị trường Mỹ, công ty cố tình lờ đi trước những tác động ở nhiều thị trường, những nơi công ty thiếu nhân viên biết ngôn ngữ địa phương. Điều này đồng nghĩa rằng họ thường không hiểu được bản chất độc hại hoặc nguy hiểm của các thông điệp trên nền tảng của mình” – bà Haugen cho hay.

Phía Facebook đã bác bỏ các cáo buộc. CEO Mark Zuckerberg hồi đầu tháng nói rằng thật vô lý khi cho rằng Facebook cố tình thúc đẩy các nội dung có thể khiến mọi người cảm thấy không hài lòng.

"Trái ngược với những gì đã thảo luận tại phiên điều trần, chúng tôi luôn có động cơ thương mại để xóa nội dung có hại khỏi nền tảng của mình. Mọi người không muốn nhìn thấy nội dung đó khi họ sử dụng ứng dụng của chúng tôi và các nhà quảng cáo không muốn quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh nội dung đó" - Facebook hôm 25-10 tuyên bố.

Công ty này cho biết đã chi 13 tỉ USD nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng, đồng thời nhất trí rằng cần có quy định thống nhất trong toàn ngành. Facebook cũng cho biết rất hài lòng khi Anh đang tiến hành các luật an toàn trực tuyến.

Theo Reuters, Facebook - công ty cũng sở hữu các ứng dụng Instagram và WhatsApp - đã bị các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc theo đuổi lợi nhuận trong khi không chú trọng sự an toàn của người dùng.

Anh đang đưa ra luật phạt các công ty truyền thông xã hội nếu các công ty này không loại bỏ hoặc hạn chế việc lan truyền nội dung bất hợp pháp. Mức phạt có thể lên đến 10% doanh thu của công ty.

Trước đó, trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, bà Haugen nói rằng Facebook đã nghĩ ra cách để khiến người tiếp tục xem các nội dung trên trang của mình ngay cả khi điều đó có thể gây tổn hại sức khỏe của họ.

Bà Haugen cho biết đã cung cấp các tài liệu được sử dụng trong một cuộc điều tra của tờ The Wall Street Journal và một phiên điều trần tại Thượng viện về tác hại của Instagram đối với các cô gái vị thành niên. Bà đã so sánh nền tảng này với các chất gây nghiện như thuốc lá và opioid.

"Facebook đã không sẵn sàng chấp nhận dù chỉ hy sinh một ít lợi nhuận vì sự an toàn của người dùng, và điều đó là không thể chấp nhận được" – bà Haugen hôm 25-10 nhấn mạnh, chỉ ra tác động của Instagram đối với sức khỏe tinh thần của một số người dùng trẻ.

Reuters, cùng các hãng truyền thông khác, đã xem xét các tài liệu do bà Haugen cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ và Quốc hội.

Theo các tài liệu, Facebook biết rằng công ty đã không thuê đủ nhân viên có cả kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức về các sự kiện tại các quốc gia, vốn cần thiết để xác định các bài đăng phản đối từ người dùng tại các nước này.

Facebook hoạt động tại hơn 190 quốc gia và tự hào có hơn 2,8 tỉ người dùng hàng tháng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm