Hôm 25-6, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với Phó thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản), từ ngày 28 đến 29-6 tới. Theo hãng tin Bloomberg, đại diện hai nước đều nhất trí sẽ tiếp tục thương thuyết về thỏa thuận nhằm giải quyết dứt điểm thương chiến Mỹ-Trung.
Bên cạnh đó, cả ba nhà đàm phán dự kiến sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp bên lề hội nghị để thảo luận về các nội dung cuối cùng trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Xung đột thương mại vẫn còn
Lãnh đạo TQ hồi đầu tuần cảnh báo hai nước phải chuẩn bị “thỏa hiệp ở một số điểm” nếu mong muốn buổi gặp mặt đạt được thành công. Trong khi đó, một quan chức cấp cao ở Washington cho biết đoàn đàm phán của Mỹ tiếp tục tiến vào cuộc gặp lịch sử với TQ bằng quan điểm cứng rắn, theo hãng tin Reuters.
“Mục đích của buổi thảo luận sẽ là về tái cân bằng quan hệ kinh tế theo cách mà sẽ bảo vệ sự thịnh vượng của Mỹ, công nhân của Mỹ, và dĩ nhiên sẽ bàn về những thay đổi trong cấu trúc cần thiết xảy ra nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ (của Mỹ)” - vị này cho biết thêm.
Hôm 24-6, chia sẻ với tờ South China Morning Post, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết mặc dù ông hy vọng gặp mặt Trump-Tập sẽ tái khởi động tiến trình đàm phán thương mại nhưng ông lo ngại những “cảm xúc tiêu cực” của hai bên sẽ ngăn cản một thỏa thuận chính thức. Theo đó, ông viện dẫn sự kiện tháng 5-2019: Mỹ tố TQ đã đơn phương rút lại những nội dung đã thông qua trước đó, trong khi phía TQ cáo buộc Mỹ đã có những yêu cầu “vô lý” khi bắt nước này phải thay đổi hàng trăm điều luật.
Bên cạnh đó, theo nhận định của chuyên gia tài chính Chuck Jones thuộc tạp chí Forbes, việc mong chờ cả hai nước thông qua thỏa thuận về vấn đề nhạy cảm và phức tạp như chiến tranh thương mại chỉ trong vòng một buổi gặp mặt là có phần “lạc quan”.
“Thời gian gần đây, mọi chuyện (về thỏa thuận) đều im ắng, ngoại trừ những lời đe dọa sẽ tăng thêm thuế từ ông Trump và phía TQ ra tín hiệu mong muốn được đối xử một cách công bằng. Viễn cảnh tốt đẹp nhất hiện tại là cuộc gặp sẽ mở đường cho đợt đàm phán mới với khả năng không nhỏ là Mỹ sẽ áp thêm thuế mới lên TQ” - ông Jones bình luận.
Ông Jones nhận định thêm: Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang nóng lên, ông Trump sẽ muốn giữ được hình ảnh một vị lãnh đạo cứng rắn trước ông Tập. Do đó, tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ không đưa ra quá nhiều nhượng bộ, dù rằng thông tin mới đây tiết lộ tổng thống sẽ khá thoải mái cho dù kết quả cuộc gặp ra sao, theo hãng tin Reuters.
Bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018 tại Argentina. Ảnh: REUTERS
Đồng quan điểm, tập đoàn tài chính Goldman Sachs cũng cho rằng dựa theo tầm nhìn kinh tế của ông Trump kể từ khi bước vào Nhà Trắng năm 2016, rất có thể vị tổng thống Mỹ vẫn chưa muốn chấm dứt các đòn thuế nhằm vào TQ.
Ngoài ra, mặc dù bị đánh giá là bên yếu thế hơn, giới lãnh đạo TQ hiện đứng giữa hai sự lựa chọn: Cải tổ theo yêu cầu Mỹ để đổi lấy lối thoát, hoặc chịu thêm thuế quan. Chính quyền Tổng thống Trump từ lâu đã nói rõ rằng trừ khi TQ chấp nhận thay đổi, nếu không Washington sẽ tiếp tục dùng thuế quan để “ép buộc” TQ thay đổi, theo cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Drew Thompson.
Ông Thompson nhận định: Cho đến hiện tại, có thể thấy Bộ Chính trị TQ vẫn không ủng hộ bất cứ thay đổi nào làm ảnh hưởng cấu trúc thể chế, trong đó có việc cải tổ nền kinh tế theo chiều hướng tự do hơn. Với lý do đó, trước khi gặp ông Trump, lãnh đạo TQ phải tìm cách có được sự ủng hộ và đồng thuận của các đồng chí của mình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng ngày 25-6 xác nhận ông Trump sẽ gặp riêng các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, TQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Đức tại hội nghị thượng đỉnh G20. |
Những mâu thuẫn khác
Ngoài thương mại, giữa Mỹ và TQ vẫn còn rất nhiều bất đồng. Xung đột Iran, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, dự luật dẫn độ của Hong Kong và vấn đề Đài Loan là những điển hình.
Trong khi ông Tập nhiều khả năng sẽ lên tiếng bày tỏ lo ngại về mối quan hệ thân thiết gần đây giữa Mỹ và Đài Loan, ông Trump ngược lại sẽ đề cập đến Iran như một lời nhắc nhở về lập trường của TQ trong giải quyết căng thẳng đang diễn ra.
Trong bài bình luận viết cho tờ báo Triều Tiên Rodong Sinmun, ông Tập mong muốn chuyến thăm của mình đến Bình Nhưỡng sẽ “làm cầu nối” để xóa nhòa khoảng cách trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Mặc dù vậy, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Thompson cho rằng ông Tập sẽ không thể lấy Triều Tiên làm “đòn bẩy” với ông Trump, bởi vì lập trường của Triều Tiên lâu nay luôn muốn giữ vững vị thế trung lập.
Mọi tâm điểm đều đổ dồn vào thượng đỉnh G20 với hy vọng đây sẽ là cột mốc chấm dứt cuộc đối đầu thương mại đầy tốn kém mà tính đến nay đã kéo dài gần một năm giữa hai siêu cường Mỹ và TQ. Tuy nhiên, các chỉ dấu cho đến hiện tại đều không ủng hộ sự kỳ vọng này.
Những tín hiệu lạc quan Vào ngày 18-6, trên trang Twitter chính thức của mình, ông Trump đã gửi đi một dòng trạng thái tiết lộ đã trao đổi với ông Tập và xác nhận về cuộc gặp ở thượng đỉnh G20. Thị trường tài chính sau thông tin từ ông chủ Nhà Trắng lập tức đã có một số dấu hiệu khởi sắc nhất định, trong đó chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm trong phiên cùng ngày sau đợt sụt giảm khoảng 6% đầu tháng khi hai nước tung ra đòn thuế mới vào tháng 5-2019, theo tờ The Washington Post. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nhận được tín hiệu tích cực từ phía Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này đang chuẩn bị cho đợt giảm lãi suất đầu tiên kể từ cơn khủng hoảng năm 2008, trong nỗ lực cố gắng duy trì chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của kinh tế Mỹ. FED cũng hạ thêm dự báo lạm phát ở Mỹ dưới ngưỡng mục tiêu 2% trong 2019. |