Kết quả trên được lấy từ một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ năm trường đại học của Trung Quốc. Nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí khoa học Natural Sustainability ngày 14-10.
Theo The New York Times, trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã tập trung vào các ca sảy thai chết lưu (missed abortion) trong ba tháng đầu của thai kỳ. Sảy thai chết lưu là hiện tượng bào thai chết mà không có biểu hiện cụ thể khiến cha mẹ nghĩ thai vẫn phát triển bình thường.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều với các tác nhân ô nhiễm trong không khí như bụi mịn hay SO2 và CO có khả năng gia tăng tỉ lệ sẩy thai chết lưu ở phụ nữ.
Phụ nữ Trung Quốc mang khẩu trang nhằm bảo vệ chính mình khỏi ô nhiễm không khí. Ảnh: GETTY IMAGES
Nghiên cứu sử dụng kết quả bệnh án của 255.668 thai phụ trong giai đoạn từ 2009 đến 2017 ở Bắc Kinh. Những người tham gia vào nghiên cứu được theo dõi việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở nhà và nơi làm việc, do các khu công nghiệp, xe cộ và các hộ gia đình gây ra.
Các nhân tố gây ra ô nhiễm mà nhóm nghiên cứu tập trung vào là bụi mịn PM2.5, lưu huỳnh dioxide (SO2), ozone (O3) và carbon monoxide (CO). Nồng độ ô nhiễm được tính toán dựa trên số liệu của các hệ thống quan trắc không khí ở Bắc Kinh.
Trong số những người tham gia vào nghiên cứu, có tới 17.497 (6,8%) thai phụ bị sẩy thai chết lưu trong ba tháng đầu thai kỳ. Các nhà nghiên cứu có thể kết luận rằng các cá nhân ở bất kỳ độ tuổi, khu vực và nhiệt độ không khí nào cũng chịu tác động của ô nhiễm không khí.
Một con đường cao tốc ngập chìm trong khói bụi ở Trung Quốc. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, người đứng đầu nghiên cứu cũng đồng thời cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu nhằm xác định chắc chắc mối quan hệ giữa các tác nhân ô nhiễm khác nhau với tỉ lệ sẩy thai chết lưu, cũng như chưa thể xác định được ảnh hưởng của các nhân tố khác, gồm ô nhiễm do lò sưởi, vật liệu xây dựng và khói thuốc.
Mặc dù còn các hạn chế, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã cung cấp thêm bằng chứng về tác động tiêu cực của không khí ô nhiễm lên con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Trung Quốc thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh những năm qua, bao gồm di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn PM2.5 - vốn có thể xâm nhập sâu vào phổi người - vẫn còn cao gấp bốn lần so với tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra.