Các đoạn video được người dân tỉnh Jambi, Indonesia chia sẻ trên Twitter cho thấy cảnh bầu trời nước này chuyển màu đỏ rực như máu vào cuối ngày.
Bầu trời tỉnh Jambi, Indonesia đỏ như máu do cháy rừng. Video: RT
"Đây là buổi chiều chứ không phải ban đêm đâu! Đây là Trái đất chứ không phải sao Hỏa. Là Jambi đấy! Đây là thứ không khí mà phổi chúng ta đang hít vào. Loài người chúng ta cần không khí sạch chứ không cần khói bụi" - tài khoản Twitter mang tên Zuni Shofi Yatun Nisa chia sẻ.
Một tài khoản Twitter khác cũng chia sẻ, với thông điệp gửi tới CEO của hãng công nghệ Tesla Elon Musk: "Ông Elon Musk này, chúng ta đều biết sao Hỏa là hành tinh đỏ và bầu khí quyển của nó cũng có màu này. Vì vậy, tôi không muốn mọi người hiểu nhầm, nên tôi sẽ nói trước: ĐÂY KHÔNG PHẢI SAO HỎA! Đây là Jambi, Indonesia. Bầu trời chuyển đỏ là do cháy rừng".
Bầu trời tỉnh Jambi chuyển màu đỏ như máu. Ảnh: THE STAR
GS Koh Tieh Yong từ ĐH Singapore giải thích với đài BBC lý do trời có màu đỏ là do những hạt bụi ô nhiễm từ cháy rừng. Việc video được quay vào buổi chiều cũng làm tăng màu đỏ của trời.
Nhà thiên văn học người Indonesia Marufin Sudibyo giải thích hiện tượng này xảy ra do "tán xạ Rayleigh": ánh sáng mặt trời bị phân tán bởi khói, bụi hoặc các hạt ô nhiễm trong không khí, lọc các bước sóng ngắn hơn và giải phóng các bước sóng dài hơn trong phổ màu cam hoặc đỏ khiến bầu trời đỏ và mờ, tờ The Strait Timesdẫn.
Theo Dịch vụ quan trắc khí quyển Copernicus (CAMS) - một công ty cung cấp thông tin thời tiết, hàng ngàn hecta đất rừng bị đốt đã gây ra bụi độc. Việc đốt đất bùn phát quang của Indonesia thải ra lượng carbon lớn, được trữ trong đất hàng ngàn năm.
Theo số liệu của CAMS, từ ngày 1-8 đến 18-9-2019, chất lượng không khí ở Indonesia "tệ tương đương" năm 2015, thời điểm được xem là mang sức tàn phá không khí khủng khiếp đối với không chỉ Indonesia mà còn các nước xung quanh.
Cháy rừng ở Indonesia xảy ra hằng năm, khi nông dân nước này đốt nương rẫy cọ dầu để làm sạch đất, chuẩn bị vụ mùa mới. Các đám cháy có thể kéo dài hàng tuần trong điều kiện khô nóng, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực lân cận và cả hai nước láng giềng Malaysia và Singapore.