Hôm qua, Quốc hội (QH) bước vào ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng, hai người đứng đầu ngành liên quan đến các vấn đề về tiền bạc, chính sách tiền tệ, đã trả lời rất nhiều chất vấn của các đại biểu (ĐB).
Năm 2017: Trả 250.000 tỉ đồng tiền lãi vay và nợ gốc
Các ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và rất nhiều ĐB khác đều quan tâm tới tình hình nợ công đã sắp đụng trần mà QH cho phép.
ĐB Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề rằng: Năm 2017, ngành tài chính đã góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn và kéo giảm được bội chi ngân sách cũng như nợ công từ 63,6% xuống còn 62,6%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay mà chúng ta phải trả tôi thấy tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100.000 tỉ đồng, đến năm 2017 lên đến 250.000 tỉ đồng.
“Với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư cho phát triển?” - ĐB Ngân đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay nợ công đang tăng rất cao và đúng như ĐB nói áp lực trả nợ lớn, cần phải có lộ trình giảm dần bội chi, đảm bảo an toàn nợ công. “Chúng ta đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nợ công, như chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế. Phải kiên quyết bám sát nghị quyết để điều hành” - ông Dũng nói.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng nói năm ngoái cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp. Điều này được đích thân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ minh định khi được Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân mời tham gia trả lời.
“Trong năm 2016 Chính phủ chỉ duyệt duy nhất một dự án cấp bảo lãnh là 170 triệu đôla và chín tháng đầu năm nay là chưa cấp bất cứ một bảo lãnh chính phủ nào” - Phó Thủ tướng thông tin và cho biết đi liền với đó là giảm vay cấp phát mà cho vay lại với chính quyền địa phương và khối sự nghiệp.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định rằng: “Vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nợ công, hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đến cả việc chi tiêu hiệu quả nợ công”.
Tiền đi vay thì phải sử dụng hiệu quả
Không đồng tình lắm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận và cho rằng: Hiệu quả của đầu tư công mới là quan trọng chứ không phải là con số, vốn là cái vỏ bên ngoài. “Điển hình như vừa rồi có 12 doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư không hiệu quả, đội vốn đầu tư, thất thoát rất nhiều tiền. Chúng ta bù lỗ trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nền kinh tế nước ta, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - ĐB Tuấn nói vì coi hiệu quả đầu tư công có tính chất quyết định đến nền kinh tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận điều này nhưng cho rằng trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Bộ KH&ĐT. Còn về phía Bộ Tài chính thì vẫn đang phối hợp chặt chẽ và tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công.
62,6% GDP là mức nợ công hiện nay. Mức này dưới mức trần cho phép của QH (65%). Trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỉ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%. |
Đăng đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay Chính phủ tán thành ý kiến ĐBQH rằng vay không quan trọng, mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay.
Về các nhóm giải pháp chính, theo ông Huệ, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Cùng đó là tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia theo hướng hoàn thiện chính sách thu, hướng tới bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thu và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất.
Ông Huệ cũng cho hay Chính phủ cũng sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỉ trọng chi thường xuyên. “Trước đây, mỗi năm chi thường xuyên chiếm tới gần 70% tổng mức chi ngân sách nhà nước thì năm 2017 chỉ còn chiếm 64,9% và dự kiến năm 2018 giảm còn 64% và tiếp tục giảm trong những năm tới” - Phó Thủ tướng cho biết.
“Chính phủ nói không với tăng trần nợ công” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ảnh) cho hay trong giai đoạn này Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải. “Nhiều thành viên của Chính phủ, một số ĐBQH và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình trung ương và QH nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công” - Phó Thủ tướng cho biết. |