Trong cuộc sống hiện đại, thông tin chảy như dòng thác, ít có người nhớ nguyên vẹn một câu chuyện dài. Nếu có một cuốn sách gối đầu giường, câu chuyện Hoàng Sa sẽ được lưu danh lâu dài cho thế hệ sau này. Thế hệ trẻ phải hiểu những người đi trước đã hy sinh như thế nào. Từ đó mọi người có nghĩa vụ với chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Vậy là cuốn sách lưu giữ những câu chuyện về Hoàng Sa được thực hiện. Thời gian hoàn thành trong vòng ba năm. Viết về Hoàng Sa, để có câu chuyện hay thì phóng viên phải đắm mình vào sự kiện. Những năm tháng làm trinh sát biên phòng, nhiều sự kiện có lùng nhùng trong lòng giờ được dịp bật ra như cuốn phim quay chậm.
...Khoảng đầu tháng 3-1996, tôi lúc ấy là chuẩn úy, mới 23 tuổi, nhận được thông tin là đón một ngư dân bị Trung Quốc bắn chết, tàu sẽ về địa phương. Người xấu số đó tên là Phạm Huy, sinh năm 1974, một ngư dân mới 22 tuổi. Khi đi trên tàu cá của ngư dân Ngô Văn Dũng và Nguyễn Cư ở xã Bình Châu, anh Huy đã bị tàu tuần tra Trung Quốc đuổi bắt, tịch thu tài sản và bắn chết.
Tôi tiễn đưa ngư dân xấu số trở về với đất mẹ vào cái đêm tối mù mịt, trời hầm hập cái nóng của miền Trung. Người vợ của anh mới mang bầu sáu tháng. Giờ đứa trẻ đã 17 tuổi, chưa từng biết mặt cha. Hỏi sau cháu làm nghề gì, cậu nhìn ra ngoài biển, ánh mắt rực cháy, nói: “Cháu ra Hoàng Sa thăm nơi cha đã mất”.
Rồi có những ngày tôi chạy quanh làng chài ghi lời trình bày của các ngư dân hành nghề ở Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt, thu đồ đạc và dọa nạt để đưa vào hồ sơ... Những câu chuyện đó được ngư dân kể lại trong sự hậm hực, khi bà con thắc mắc: “Đảo Hoàng Sa của Việt Nam mình mà sao bị bắt hoài?”.
Thời làm trinh sát, sống cùng với bà con, được nhiều người giúp đỡ, tôi vẫn canh cánh món nợ chưa trả. Và giờ đây cuộc sống, tâm tư, tình cảm của ngư dân đã được chuyển tải đến với mọi người. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm báo khoác áo lính.
Viết câu chuyện về Hoàng Sa có hồn, bạn nên có mặt trên con tàu chở lặc lè đá, dầu đang chuẩn bị mở biển Hoàng Sa. Bạn theo con tàu lênh đênh sóng nước với ngư dân để săn cá ngừ, cá chuồn. Bạn ngồi cạnh ngôi mộ gió cai đội Hoàng Sa, nhờ ông trưởng tộc ngâm một khúc tế lính với giọng bi hùng, ai oán, mang quốc hồn dân tộc.
Những ngày xảy ra vụ việc tàu tuần tra Trung Quốc bắn cháy tàu ngư dân Việt Nam, nhiều bạn trẻ có ý kiến trên các trang mạng. Có những ý kiến hay và thiết thực nhưng có nhiều quan điểm thiếu thực tế, sai lệch. Nhiều bạn cho rằng Việt Nam hô hào đẩy ngư dân ra biển. Việt Nam cứ hô hào mà chẳng làm gì.
Ngư dân Quảng Ngãi coi Hoàng Sa như ruộng lúa, mảnh vườn, không cần hô hào họ vẫn hằng ngày tiến ra Hoàng Sa như trở về quê nhà.
LÊ VĂN CHƯƠNG
Cuốn “Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa, NXB Trẻ phát hành, tháng 3-2013