Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ quyền bảo hộ của Pháp và thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim. Nhật đầu hàng đồng minh không lâu sau đó. Ngày 19-8-1945, Việt Minh lật đổ chính quyền Trần Trọng Kim. Ngày 25-8-1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh ra tuyên ngôn độc lập và thiết lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Theo nguyên tắc, toàn thể lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam phải trở về quyền quản trị của Chính phủ VNDCCH.
Liên tiếp khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa
Sau ngày 2-9-1945, đồng minh cử Anh tới giải giáp quân đội Nhật kể từ vĩ tuyến 16 vào Nam và cử Trung Hoa (Quốc dân Đảng) tới giải giáp quân đội Nhật kể từ vĩ tuyến 16 ra Bắc. Ngày 23-9-1945, Anh giúp Pháp chiếm cứ một số tỉnh, thành Nam Bộ và cho thủy quân ra biển Đông chiếm lại Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đây nhiều cuộc điều đình Việt-Pháp như Tạm ước ngày 8-3-1946 ở Hà Nội, hội nghị chuẩn bị tháng 5-1946 tại Đà Lạt, hội nghị chính thức tháng 7-1946 ở Fontainebleau, đều thất bại. Ngày 19-12-1946, toàn quốc vùng lên kháng chiến. Chính phủ VNDCCH rút vào khu an toàn. Pháp trở mặt, ngày 8-3-1949, Tổng thống Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại ký hiệp ước Elysée công nhận Việt Nam độc lập thống nhất trong Liên hiệp Pháp. Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại được một số nước phương Tây công nhận.
Bốn chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa tháng 1-1974. Nguồn: Internet
Ngày 14-10-1950, chính phủ Pháp chính thức trao trả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Bảo Đại. Ngày 7-9-1951, 51 nước họp Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại San Francisco (Mỹ), Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Văn Hữu long trọng tuyên bố: “Vì dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để ngăn chặn mầm mống bất hòa, chúng tôi xin khẳng định rằng chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Spratly (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa) đã thuộc về Việt Nam từ mọi thời đại”. Không có một phái đoàn nào phản đối.
Quản lý trực tiếp về mọi mặt
Tháng 5-1954, Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ. Tháng 7-1954, Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh và tạm chia cắt Việt Nam làm hai phần, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới và hai năm sau sẽ hiệp thương thống nhất. Tháng 10-1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập chế độ VNCH.
Quân lực từ thời Bảo Đại luôn hiện diện và bảo vệ Hoàng sa - Trường sa. Chính quyền đã cho một số công ty tới khai thác phân chim ở Hoàng Sa. Ngày 21-12-1959, Trung Quốc cho lính giả làm ngư dân đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa nhưng bị đẩy ra.
Ngày 16-9-1960, văn phòng Phó Tổng thống đệ trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm về tình hình quần đảo Hoàng Sa như sau: Quần đảo Hoàng Sa (Archipel des Paracels) là các đảo san hô nằm ngoài khơi biển Việt Nam, giữa kinh tuyến 110-115 độ Đông và vĩ tuyến 16-17 độ Bắc, cách xa bờ biển trung phần Việt Nam độ 400 km, ngoài số đảo nhỏ thì có 12 đảo lớn (mang cả tên nước ngoài). Số nhân viên sống trên đảo gồm: một trung đội thủy quân lục chiến (30 người) và 38 bảo an viên do một thiếu úy thủy quân lục chiến chỉ huy, bốn nhân viên phụ trách đài khí tượng, 38 nhân viên của Công ty Khai thác Phân chim.
Bản đồ Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa theo Nha địa dư quốc gia VNCH 1974. (Nguồn: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)
Ngày 13-7-1961, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh về quần đảo Hoàng Sa: “Điều 1: Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc Thừa thiên-Huế nay đặc thuộc tỉnh Quảng Nam. Điều 2: Một đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chính”. (1)
Ngày 1-11-1963, quân đội làm đảo chính, hôm sau ám sát Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Ngày 21-10-1969, Thủ tướng Đệ nhị Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm ký nghị định về quần đảo Hoàng Sa: “Điều 1: Nay sáp nhập Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Điều 2: Địa phận và ranh giới xã Hòa Long được ấn định lại y như bản đồ đính kèm bản chính nghị định này”.
Ngày 6-9-1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra nghị định: “Điều 1: Nay sáp nhập các đảo Trường Sa (Spratly), An Bang (Amboya Cay), Thái Bình (Itu-Aba), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Loại Ta (Loaita), Thị Tứ (ThiTu), Nam Yết (Namyit), Sinh Tồn (Sin-Cowe) và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy”.
Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa
Trung Quốc lợi dụng lúc tình hình ở Việt Nam bất ổn đã tiến hành xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam. Từ ngày 17-1-1974 đến ngày 20-1-1974, Trung Quốc mang hải quân hùng hậu đến đánh chiếm Hoàng Sa, làm thiệt mạng 74 binh lính VNCH khi tiến hành bảo vệ quần đảo này. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh trong đó có một người Mỹ tên là Gerald Kosh rồi trao trả tù binh tại Hong Kong qua Hội Chữ thập đỏ.
Ngày 21-1-1974, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc gửi điệp văn đến Liên Hiệp Quốc và các nước có quan hệ ngoại giao để tố cáo hành động xâm lăng của Trung Quốc. Trong điệp văn có đoạn viết: “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của nước VNCH. Chủ quyền của nước chúng tôi trên các quần đảo ấy căn cứ trên lịch sử, địa lý và pháp lý chính đáng cũng như trên thực tế hành chính và sở hữu, thực là một sự kiện không thể chối bỏ được”. (2)
Một ngày sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, lực lượng phi công chiến đấu của quân đội VNCH đã được huy động cho một chiến dịch rất lớn để phản công tái chiếm lại Hoàng Sa nhưng chiến dịch này đã không được thực hiện.
Về phía chính quyền VNDCCH, ngay từ năm 1960 đã cho hải quân sao lục lại những bản đồ từ thời Pháp về biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Các nét vẽ thì để y nguyên còn địa danh hoặc ghi chú khác thì chuyển ra Việt ngữ. Chúng tôi phỏng đoán công việc này vừa để khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vừa để làm tài liệu chỉ đường cho các con tàu không số vận chuyển thêm nhân lực và vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ ở miền Nam.
Đầu tháng 5-1975, Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã thay chân các toán lính VNCH kiểm soát các đảo ở Trường Sa nhưng chưa thể tái chiếm lại Hoàng Sa.
Mưu đồ của Trung Quốc xâm chiếm các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ khi ngày 14-3-1988 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tú Nghĩa, Gạc Ma, Xubi thuộc quần đảo Trường Sa… làm 64 chiến sĩ bảo vệ đảo hy sinh. Ngày 22-12-2007, Trung Quốc thiết lập cái gọi là TP Tam Sa, lấy đường “lưỡi bò” làm ranh giới cho tỉnh Hải Nam, gồm cả đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và hầu hết biển Đông.
Dòng sự kiện về cuộc hải chiến 40 năm trước - Ngày 11-1-1974, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Sau đó cho lực lượng xâm nhập vào các đảo phía Tây Hoàng Sa. - Ngày 16-1-1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) của VNCH khi thực thi nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa đã phát hiện hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật, đồng thời phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Quang Hòa và cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh. - Ngày 17-1-1974, Hải quân VNCH đã cử khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) đến nhổ cờ Trung Quốc tại các đảo trên. Cùng ngày, Trung Quốc quyết định huy động lực lượng hùng hậu tấn công quân đội VNCH ở Hoàng Sa. - Ngày 18-1-1974, Hải quân VNCH tăng cường tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ10) hình thành hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa, gồm bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10 và HQ16, do Đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy. - Ngày 19-1-1974, quân VNCH tiến vào đảo Quang Hòa với lệnh chỉ huy chiếm lại đảo một cách hòa bình và không dùng vũ lực trước. Tuy nhiên, quân lực Trung Quốc đang chiếm đóng trên đảo nổ súng làm thiệt mạng hai người và bị thương hai người. Hải quân VNCH quyết định phản kích trong đêm, cả bốn chiến hạm tiến vào lòng chảo Hoàng Sa. Cuộc chạm trán hai bên nổ ra kịch liệt, chiến hạm HQ10 trúng đạn, bốc cháy mang theo 62 binh sĩ nằm lại mãi mãi ở Hoàng Sa, trong đó có Hạm trưởng Ngụy Văn Thà. Trong cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy có tất cả 74 người Việt Nam ngã xuống vì Hoàng Sa. Sau đó Trung Quốc đã chiếm cứ toàn bộ Hoàng Sa cho tới ngày hôm nay. M.CƯỜNG tổng hợp |
Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Chú thích:
(1) Lưu Anh Rô - Bùi Thị Huyền, Quá trình thành lập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa)… Tạp chí Xưa và Nay số 442, tháng 12-2013, tr 12-13.
(2) Ministry of Foreing Affairs, White paper on the Hoang Sa et Truong Sa, Saigon, 1975, tr. 91.
Bài 2: Không có điểm tựa pháp lý nào cho Trung Quốc