Tiểu hành tinh 2018 LA biến thành cầu lửa sáng rực trên bầu trời Botswana ngày 2-6, Fox News đưa tin. 2018 LA được nhóm chuyên gia trong dự án Catalina Sky Survey phát hiện 8 tiếng trước khi nó xâm nhập vào khí quyển Trái đất, theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất (CNEOS) thuộc NASA.
Hình ảnh ghi lại tiểu hành tinh 2018 LA lao xuống Trái đất ngày 2-6. Ảnh: SPUTNIK
Sau khi nhìn thấy nó qua kính thiên văn, nhóm nhà khoa học xác định đó là 2018 LA - một thiên thể tương đối nhỏ với chiều ngang chỉ khoảng 2 m, vốn không mấy nguy hại đối với Trái đất bởi thông thường, nó sẽ bị đốt cháy trước khi có thể chạm đến bề mặt, theo Space.com.
Với vận tốc hơn 61.000 km/giờ, nó tiến vào khí quyển lúc 12 giờ 44 ngày 2-6 theo giờ địa phương rồi bốc cháy ở độ cao khoảng vài km. Những báo cáo về cầu lửa phát sáng trên Botswana, châu Phi, ngày 2-6, khớp với đường đi dự kiến của 2018 LA, NASA cho biết.
Các nhà khoa học có thể quan sát tiểu hành tinh này vài giờ trước sự kiện nhờ ATLAS, hệ thống cảnh báo sớm va chạm với tiểu hành tinh do ĐH Hawaii phát triển và NASA tài trợ. Nhóm nghiên cứu cũng thu hẹp được điểm va chạm dự kiến nhờ sử dụng hệ thống tự động Scout tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA.
"Đây mới là lần thứ ba phát hiện tiểu hành tinh có đường đi va chạm với Trái đất. Đây cũng là lần thứ hai khả năng va chạm cao được dự đoán sớm trước sự kiện" - Paul Chodas, quản lý tại CNEOS, chia sẻ.
Trước tiểu hành tinh 2018 LA, các nhà nghiên cứu đã dự đoán được sự ảnh hưởng của tiểu hành tinh 2008 TC3 ở Sudan vào tháng 10-2008 và tiểu hành tinh 2014 AA trên Đại Tây Dương vào tháng 1-2014. Theo trang Space.com, 2008 TC3 được phát hiện khoảng 19 giờ trước khi nó rơi xuống Trái đất, còn 2014 AA được phát hiện chỉ vài giờ trước khi rơi xuống.