Tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho biển Đông

Đối thoại Chiến lược và kinh tế lần thứ tám ở Bắc Kinh trong hai ngày 6 và 7-6 là đối thoại thường xuyên quan trọng nhất của Mỹ và Trung Quốc.

Phái đoàn Mỹ tham dự đối thoại gồm có Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew.

Về phía nước chủ nhà có Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.

Theo AFP, các chủ đề thảo luận gồm biển Đông, CHDCND Triều Tiên, Đài Loan, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, nhân dân tệ, trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế.

Đối thoại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở biển Đông và Tòa trọng tài thường trực chuẩn bị công bố phán quyết về yêu sách “đường chín đoạn” do Trung Quốc đưa ra.

Hôm trước đó, hai nước vừa mới tố cáo nhau là “khiêu khích” tại hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 ở Singapore.

Ngoại trưởng John Kerry và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tại cuộc đối thoại thường niên ở Bắc Kinh ngày 6-6. Ảnh: REUTERS

Phát biểu khai mạc Đối thoại Chiến lược và kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Thái Bình Dương rộng lớn cần trở thành khu vực hợp tác chứ không phải khu vực cạnh tranh.

Ông đề nghị hai nước tăng cường lòng tin lẫn nhau và nỗ lực để quản lý xung đột, tránh sai lầm trong tính toán chiến lược.

Ngoại trưởng John Kerry đáp lời: “Chính chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, phải hành động theo cách chúng ta là đối tác hơn là đối thủ”.

Liên quan đến biển Đông, đài VOA đưa tin ông John Kerry kêu gọi: “Chúng tôi khuyến khích các nước tìm kiếm giải pháp ngoại giao dựa theo các nguyên tắc quốc tế và tôn trọng luật pháp”.

Ông khẳng định Mỹ phản đối giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng hành động đơn phương.

VOA đưa tin trong các cuộc thảo luận cấp cao nhằm mở rộng hợp tác với Trung Quốc, Ngoại trưởng John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc không đơn phương thông báo vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.

Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cho rằng Trung Quốc và Đông Nam Á đã “có tiến bộ quan trọng” về ký kết một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Ông cam kết sẽ tăng cường thông tin với Mỹ về vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên, Iran hay Syria.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã kêu gọi Trung Quốc giảm tình trạng sản xuất thừa đối với thép.

Ông cũng yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn nữa trong các quy định đồng thời giảm rào cản trong thương mại và đầu tư.

Bắc Kinh đã cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 100-150 triệu tấn thép thặng dư, như vậy sẽ phải loại bỏ 0,5 triệu việc làm.

Ngày 6-6, sau hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ở Phnom Penh, Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong tuyên bố tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. Ông cho rằng Trung Quốc có đủ lý lẽ pháp lý để từ chối tham gia quy trình trọng tài. Ông cảm ơn Trung Quốc rằng các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc đã góp phần chủ yếu thúc đẩy kinh tế-xã hội Campuchia phát triển.

_______________________________________

Các nước tranh chấp ở biển Đông phải giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển đồng thời phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Đài Loan đề nghị đưa Đài Loan vào cơ chế đa phương để giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông.

(Người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan tuyên bố ngày 6-6 sau khi người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan nói không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc lập)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm