Tính đến 6 giờ 30 sáng 24-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 343.491 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.391.071 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 3.061, số ca nhiễm tăng 62.368 Hiện dịch bệnh đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 2.235.873 bệnh nhân đã hồi phục.
Tình hình dịch bệnh ở Brazil ngày càng nghiêm trọng
Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Brazil ngày càng quá tải, các bác sĩ ra sức cứu sống từng bệnh nhân khi số người nhiễm bệnh tại quốc gia này đang ngày càng gia tăng, theo đài CNN.
Chỉ trong vòng 24 giờ, Brazil ghi nhận thêm 11.520 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 342.410, cao thứ hai thế giới. Số người tử vong vì dịch bệnh ở quốc gia Nam Mỹ này cũng đã lên đến 21.934.
Một nạn nhân COVID-19 đang được chôn cất tại Nghĩa trang Vila Formosa, nằm ở ngoại ô TP Sao Paulo, Brazil. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Tổng thống Brazil ông Jair Bolsonaro dường như tập trung nhiều hơn vào việc mở cửa lại nền kinh tế. Ông Bolsonaro trước đó từng coi COVID-19 là “bệnh cúm vặt”. Ông đã hối thúc doanh nghiệp mở cửa lại mặc dù nhiều thống đốc nhấn mạnh rằng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ giúp làm chậm sự lây lan.
Ý kiến của ông Bolsonaro đã bị phản đối kịch liệt. Nhiều bác sĩ tại Viện Truyền nhiễm Emilio Ribas ở TP Sao Paulo đã giận giữ khi được hỏi về phát biểu của tổng thống.
"Đó không phải là bệnh cúm. Đó là điều tồi tệ nhất chúng tôi từng đối mặt trong cả cuộc đời hành nghề của mình" - BS Sztajnbok nói.
Bang New York có nhiều dấu hiệu khả quan
Thống đốc bang New York (Mỹ) ông Andrew Cuomo ngày 23-5 đã ký một sắc lệnh cho phép một nhóm tối đa 10 người tụ tập miễn là họ tuân thủ giãn cách xã hội, đài CNN đưa tin.
Người dân New York thực hành giãn cách xã hội ở công viên Madison Square. Ảnh: GETTY IMAGE
Ông Cuomo cho biết TP Hudson đã ghi nhận số ca tử vong giảm đáng kể và có thể tiến gần đến việc mở cửa trở lại.
“Số người chết cũng đã giảm ở đảo Long Island và nếu tiếp tục đà giảm này chúng ta có thể mở cửa trở lại vào ngày 27-5 tới " - ông Cuomo cho biết.
Trong 24 giờ qua, New York ghi nhận 84 ca tử vong vì dịch COVID-19, cho thấy tình hình dịch bệnh ở khu vực bị ảnh hưởng nhất của Mỹ đã có dấu hiệu tiến triển.
"Số lượng người nhập viện giảm. Số ca nhiễm mới cũng tiếp tục giảm. Chúng ta vừa mất đi thêm 84 người. Nó vẫn là một con số bi thảm nhưng thực tế là nó đã giảm rất nhiều. Nói chung đó là những thông tin tốt” - ông Cuomo nói.
Tính đến sáng 24-5 (giờ Việt Nam), toàn nước Mỹ ghi nhận thêm 20.884 ca nhiễm mới và 1.006 ca tử vong, đưa số ca nhiễm và tử vong ở nước này lần lượt lên 1.665.978 và 98.653. Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại nhưng Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới trong đại dịch này.
Pháp cho phép các nghi lễ tôn giáo hoạt động trở lại
Ngày 23-5, Pháp vừa ra một nghị định cho phép các nghi lễ tôn giáo hoạt động trở lại và mọi người được phép tụ tập theo từng nhóm nhỏ miễn là họ đảm bảo các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Barshe Castaner cho hay.
Pháp cho phép các nghi lễ tôn giáo hoạt động trở lại. Ảnh: AP
Các biện pháp phòng ngừa bắt buộc bao gồm mang khẩu trang khi tham gia các hoạt động tôn giáo. Những nơi tổ chức hoạt động tôn giáo phải trang bị khu vực rửa tay ở lối vào, theo Bộ Nội vụ.
Hội đồng Giám mục Pháp đã hoan nghênh quyết định này trong một thông cáo báo chí, nói rằng họ sẽ chỉ định các nhà thờ được phép tổ chức thánh lễ và giới hạn lượng người tham dự.
Tính đến sáng 24-5 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận 250 ca nhiễm mới và 43 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này lần lượt lên 182.469 và 28.332.