Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết tính đến 19 giờ ngày 13-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (dịch COVID-19) gây ra là 5.052 (tăng 102 ca so với trưa cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 134.496. Có 70.172 ca chữa khỏi.
Trung Quốc ghi nhận 80.813 ca nhiễm và 3.176 ca tử vong.
Tính đến nay số ca tử vong vì COVID-19 ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục là 1.876. Trong đó, Ý cao nhất với 1.016 ca, Iran xếp thứ hai với 514 ca, Tây Ban Nha xếp thứ ba với 84 ca, Hàn Quốc 67 ca, Pháp 61 ca, Mỹ 41 ca, Nhật Bản 22 ca, Anh tám ca, Hà Lan, đặc khu Hong Kong, Indonesia, bốn ca; Thụy Điển, Na Uy, Áo, Canada, Hy Lạp, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập, Đài Loan, Ireland, Ba Lan, Algeria, Bulgaria, Albania, Argentina, Panama, Morocco, Guyana một ca; Thụy Sĩ sáu ca, Đức, Bỉ, Úc ba ca; San Marino, Philippines năm ca, Lebanon hai ca.
Riêng tại Việt Nam có 45 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca hồi phục hoàn toàn.
Thêm cố vấn lãnh tụ tối cao Iran nhiễm COVID-19
Ông Ali Akbar Velayati, 74 tuổi, cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, được xác nhận dương tính với COVID-19.
"Ông Ali Akbar Velayati, cũng là người đứng đầu Bệnh viện Masih Daneshvari ở Tehran, đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân COVID-19 trong vài tuần qua. Ông đã bị nhiễm bệnh và đang được cách ly" - hãng thống tấn Tasnim của Iran hôm 12-3 cho biết.
Khử trùng tại sân vận động San Paolo ở Naples (Ý). Ảnh: AFP
Bệnh viện Masih Daneshvari của ông là cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 hàng đầu ở Iran. Gần như mọi quan chức cấp cao nước này nhiễm virus này đều được điều trị tại đây.
Tuy nhiên, người phát ngôn bệnh viện cho biết ông Velayati muốn được cách ly tại nhà sau khi biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Giới chức bệnh viện cũng nói rằng tình trạng của ông đang cải thiện.
Ông Velayati là cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Ông cũng là cố vấn cấp cao thứ hai của lãnh tụ Khamenei nhiễm COVID-19.
6 bang ở Mỹ đóng cửa trường học
Theo hãng tin AFP, ít nhất sáu bang của Mỹ phải đóng cửa trường học trong ít nhất hai tuần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Quyết định đóng cửa trường học được công bố hôm 12-3 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-3, áp dụng tại các bang Ohio, Michigan, Oregon, Maryland, Kentucky và New Mexico.
Những người mua đeo khẩu trang đứng gần logo Apple ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP
“Đây là bước đi cần thiết để bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta, những gia đình của chúng ta và sức khỏe cộng đồng. Tôi đang làm việc với các đối tác khắp chính quyền tiểu bang nhằm đảm bảo các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh có sự hỗ trợ cần thiết trong thời gian này” - Thống đốc bang Michigan - bà Gretchen Whitmer, cho biết trong một tuyên bố tối 12-3.
Bang Washington, nơi ghi nhận 31 trong số 40 ca tử vong tại Mỹ, cũng đã đóng cửa tất cả trường học ở ba hạt tại khu vực Seattle cho tới ngày 24-4.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 46 bang ở Mỹ, với hơn 1.700 ca nhiễm và hơn 40 trường hợp tử vong. Tình trạng trường học đóng cửa có thể tác động nghiêm trọng đến phụ huynh, bởi họ sẽ phải tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Nga yêu cầu nhà báo không dự các sự kiện có tổng thống nếu không khỏe
Hãng Reuters đưa tin, Điện Kremlin ngày 13-3 đã yêu cầu các nhà báo đưa tin về Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia các sự kiện chính thức nếu họ cảm thấy không được khỏe. Đây được xem như một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nhân viên Điện Kremlin khỏi virus gây bệnh COVID-19.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng kế hoạch chăm sóc y tế cho ông Putin đang ở mức cực cao và tổng thống đã làm việc hết khả năng.
Tuy nhiên, ông Peskov đã từ chối trả lời câu hỏi liệu ông Putin đã xét nghiệm COVID-19 hay chưa.
Moscow cho biết Nga đã chính thức xác nhận 34 ca bệnh COVID-19, song đến nay chưa có ca tử vong.
Phát hiện “hành lang dịch COVID-19” ở Bắc bán cầu
Các nhà khoa học Mỹ và Iran trong một nghiên cứu đã phát hiện các ổ dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay đều tập trung trong một hành lang chạy ngang Bắc bán cầu, trong khoảng 30-50 độ vĩ Bắc, theo SCMP.
"Hiện tượng lây nhiễm cộng đồng xảy ra theo một hình mẫu ổn định từ đông sang tây. Các tâm dịch mới đều nằm tương đối trong phạm vi 30-50 độ vĩ Bắc" - theo các nhà khoa học Mỹ - Iran.
Nghiên cứu mới phát hiện các ổ dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay đều tập trung trong một hành lang chạy ngang Bắc bán cầu, trong khoảng 30-50 độ vĩ Bắc. Ảnh: SCMP
Nghiên cứu của họ vừa được đăng tải trên tạp chí Social Science Research Network tuần này và đang chờ thẩm định của các chuyên gia đầu ngành.
Đây là một trong nhiều nghiên cứu tập trung vào điều kiện lây lan lý tưởng của virus Corona chủng mới, cụ thể là nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí. Các nhà khoa học hy vọng những hiểu biết này sẽ giúp dự đoán đâu là "điểm nóng" tiếp theo.
Trước đó, các lo ngại ban đầu rằng Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng của dịch COVID-19 sau miền Trung Trung Quốc do có vị trí nằm sát với Trung Quốc cùng với những kết nối du lịch với tâm dịch tại nước này. Tuy nhiên, các quốc gia và khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, miền Bắc nước Ý và tây bắc nước Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch COVID-19. Nghiên cứu này phần nào giải thích được chuyện này.
Các điểm nóng COVID-19 nằm trong hành lang 30-50 độ vĩ Bắc chia sẻ nhiều tương đồng về điều kiện môi trường, với nhiệt độ trung bình 5-11 độ C, độ ẩm từ 47%-79%.
"Điều này có lẽ gợi ý rằng nguy cơ dịch bùng phát gia tăng nếu điều kiện môi trường duy trì trong phạm vi này" - nghiên cứu cho hay.
Ngoài ra, nhóm các nhà khoa học Mỹ và Iran cũng nói rằng các TP bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 không nơi nào có nhiệt độ thấp nhất dưới 0 độ C, có thể đây là ngưỡng quá thấp cho sự lây lan.