Tính đến 20 giờ tối 15-4, trang thống kê Wordometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 127.824 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 2.016.312 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.762 người, số ca nhiễm tăng 24.160 người. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 491.939 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 24.752 người so với sáng cùng ngày.
Người dân Nga đeo khẩu trang ở thủ đô Moscow ngày 13-4. Ảnh: TASS
Số ca nhiễm ở Đức tăng trở lại sau nhiều ngày giảm
Thống kê từ Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, cho thấy đã có thêm 285 người chết do COVID-19 tại Đức trong ngày 15-4, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 3.254.
Theo báo cáo của RKI, hiện Đức đã ghi nhận tổng cộng 127.584 ca nhiễm trên toàn quốc, tăng 2.486 ca trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm trong ngày tại Đức đã tăng trở lại sau bốn ngày giảm liên tiếp.
Dù nhận định số ca nhiễm mới tại nước này đã "tương đối ổn định", song Giám đốc Viện RKI - ông Lothar Wieler vẫn thận trọng rằng "hiện không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy dịch bệnh đang giảm dần", theo hãng tin Reuters.
Ông Wieler trước đó cũng cho rằng quá sớm để Đức tuyên bố chiến thắng trước COVID-19, dù nước này được đánh giá chống dịch tốt hơn nhiều nước trong khu vực như Pháp và Ý.
Trong thời gian tới, ông Wieler kêu gọi người dân Đức nên kiên nhẫn và duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Ông ước tính tốc độ tái sản sinh và lây lan virus tại Đức là khoảng 1,2 - tức là trung bình một người nhiễm COVID-19 sẽ lây cho 1,2 người khác. Giám đốc Viện RKI chia sẻ rằng điều mà ông thật sự quan tâm là làm thế nào để tỉ lệ này sẽ nhỏ hơn hoặc bằng 1.
COVID-19 ở Nga diễn biến xấu, Moscow có thể vỡ trận
Hãng tin TASS dẫn thông báo của Bộ Y tế Nga cho biết tính đến tối 15-4 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 24.490 ca. Số người chết vì dịch là 198.
So với con số thông báo cách đây hai tuần, số ca nhiễm tại Nga đã tăng hơn 10 lần. Ngày 1-4, Nga chỉ ghi nhận 2.337 ca nhiễm. Thủ đô Moscow là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất với 14.776 ca dương tính.
Trước đó cùng ngày, tờ The Moscow Times dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Sergei Netyosov, người từng đứng đầu cơ quan nghiên cứu về virus Vektor của Nga, cho biết sự bùng phát dịch COVID-19 tại Moscow có thể giống như những gì diễn ra ở New York - nơi có hơn 100.000 ca nhiễm.
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitri Peskov xác nhận tình hình ở Moscow rất căng thẳng và các bác sĩ đang làm việc hết sức để tiếp nhận bệnh nhân.
Chính quyền Moscow buộc phải huy động thêm 24 bệnh viện và 21.000 giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Một bệnh viện dã chiến trước đó cũng được xây dựng ở vùng ngoại ô và hiện đang nhanh chóng được lấp đầy.
Moscow đã phong tỏa toàn bộ từ tháng trước nhằm ngăn dịch lan rộng. Các chuyên gia hy vọng những thành quả từ biện pháp này sẽ xuất hiện trong vòng một tuần tới.
Hôm 14-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo dịch tại nước này đang diễn biến theo hướng xấu nhất. Ông đề nghị giới chức Nga ứng phó quyết liệt hơn, đồng thời cảnh báo bất cứ sai lầm hay thiếu sót nào sẽ bị xử lý hình sự.
Tình hình chưa lạc quan, Nhật kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc
Nhật ghi nhận thêm 215 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 15-4, đưa tổng số bệnh nhân ở nước này lên 81.00 người. Số trường hợp tử vong đã lên tới 146 người. Nếu so với số ca nhiễm của ngày 14-4 thì số ca nhiễm ngày 15-4 cao hơn 267 người, số ca tử vong cao hơn ba người.
Trong khuyến cáo mới nhất đưa ra cùng ngày, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshihide Suga kêu gọi người dân nước này cần hạn chế đến 70% việc tiếp xúc với người khác nhằm khống chế sự lây lan của virus gây dịch COVID-19, theo đài NHK.
Ông Suga cũng cho biết chính phủ Nhật sẽ cân nhắc đề xuất của đảng Komeito trong liên minh cầm quyền về phương án hỗ trợ người dân nước này tiền mặt để khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Theo đó, mỗi người dân Nhật sẽ có thể nhận được khoảng 933,45 USD không phân biệt thu nhập cao hay thấp.
Ngày 15-4, một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật cũng cảnh báo có thể sẽ có khoảng 400.000 người trong nước tử vong nếu Nhật không có biện pháp đối phó với dịch COVID-19 hiệu quả.
Theo nhóm chuyên gia này, nếu không thực hiện các biện pháp cách ly triệt để như hạn chế ra đường thì dịch COVID-19 có thể tiếp tục lan rộng và lên tới đỉnh điểm sau 60 ngày.
Khi đó, ước tính sẽ có khoảng 850.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nặng, gồm 200.000 người trong độ tuổi 15-64 và 650.000 người trên 65 tuổi. Do số lượng bệnh nhân quá đông trong khi các loại thiết bị chữa trị như máy thở không đáp ứng đủ, người bệnh có thể không được cứu chữa kịp thời.