Theo trang thống kê worldometer dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến 6 giờ sáng 12-2 có 1.112 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra. Như vậy, so với ngày 11-2, số ca tử vong tăng 96 người. Số ca nhiễm ghi nhận sáng nay là 44.794 ca.
Các nhân viên y tế ở Vũ Hán vận chuyển các thiết bị y tế (Ảnh chụp ngày 10-2). Ảnh: AFP
Tại Trung Quốc, các cơ quan y tế cho biết 4.657 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với chủng virus 2019-nCoV. Con số này tăng 630 người so với ngày 11-2.
Chủng virus Corona mới có tên chính thức: COVID-19
Họp báo tối 11-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo các chuyên gia y tế đã thống nhất tên gọi chính thức của chủng virus Corona mới (2019-nCoV) là COVID-19, hãng tin AFP cho hay.
Theo giải thích của ông Tedros, chữ “CO” là viết tắt của từ “Corona”, chữ “VI” là viết tắt của từ “virus” và “D” là viết tắt của “disease” (dịch bệnh).
COVID-19 là cái tên được chọn theo đúng quy định của WHO, tức không chỉ rõ một địa điểm, một loài vật hay cá nhân, tổ chức cụ thể nào. Tên dịch bệnh cũng phải là từ có thể phát âm được và liên quan tới mầm bệnh.
Cũng trong buổi họp báo, người đứng đầu WHO khẳng định nhiều khả năng vaccine ngừa virus COVID-19 sẽ được triển khai chính thức vào khoảng đầu năm 2021 và các chuyên gia đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ bào chế hết mức có thể.
"Điều quan trọng là chúng ta phải đoàn kết, đặc biệt là liên quan tới vấn đề chia sẻ mẫu vaccine thử nghiệm và các mẫu virus nuôi cấy được. Để chiến thắng dịch bệnh này, chúng ta cần cởi mở và chia sẻ bình đẳng và công bằng", ông Tedros nhấn mạnh.
Chuyên gia Trung Quốc: Corona có thể chạm đỉnh dịch vào cuối tháng 2
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters hôm 11-2, chuyên gia về dịch bệnh hàng đầu Trung Quốc - BS Trung Nam Sơn cho biết đỉnh lây nhiễm của virus COVID-19 có thể vào khoảng trung tuần tháng 2.
Trước đó, chuyên gia này từng đưa ra dự đoán rằng cuối tuần này, tức khoảng 15-2 hoặc 16-2 sẽ là đỉnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều chỉnh dữ liệu dựa trên các mô hình và diễn biến dịch thời gian gần đây cũng như đánh giá các biện pháp của chính phủ Trung Quốc, ông đã điều chỉnh thời gian dự đoán.
“Toàn Trung Quốc đã phát động phong trào phòng, chống dịch. Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm là cách làm cơ bản nhất và cũng hiệu quả nhất được tiến hành từ ngày 22-1. Đến bây giờ chắc chắn đã phát huy tác dụng", BS Trung nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, ông Trung Nam Sơn khuyến cáo chính quyền Bắc Kinh tiếp tục giữ nguyên các biện pháp cách ly đối với tâm dịch Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Cường quốc này cũng nên cân nhắc cấm vĩnh viễn hoạt động mua bán động vật hoang dã để tránh một đại dịch thứ hai.
Tranh cãi số ca nhiễm COVID-19 ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ
Trang tin Business Insider ngày 12-2 dẫn nghiên cứu mới đây của ĐH Y Vũ Hán thực hiện trên gần 140 bệnh nhân đã phát hiện 54% người bệnh là đàn ông, tuổi trung bình là 56.
Các nghiên cứu khác gần đây cũng cho ra kết quả tương tự. Thống kê trên 99 bệnh nhân ở BV Jinyintan Vũ Hán cũng ghi nhận tuổi trung bình là 55,5, đàn ông chiếm khoảng 68%. Một nghiên cứu khác trên gần 1.100 bệnh nhân cho ra tuổi trung bình là 47, đàn ông chiếm khoảng 58% tổng số ca bệnh.
Nhìn chung, các dữ liệu nói trên khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng đàn ông có những đặc điểm sinh học nào đó khiến họ dễ bị virus tấn công hơn. Dù vậy, Business Insider nhận định vẫn cần thêm nhiều phân tích để đưa ra kết luận cuối cùng.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Aaron Milstone thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng yếu tố giới tính trong nguy cơ nhiễm virus COVID-19 là không rõ ràng. "Khi xuất hiện một loại virus mới, tất cả dân số đều mang nguy cơ như nhau", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng lưu ý dữ liệu thu được về dịch COVID-19 còn rất giới hạn tính đến thời điểm này. Cụ thể, các thống kê khó có thể hoàn thiện vì hiện vẫn chưa có nước nào tìm ra phương pháp xét nghiệm virus quy mô lớn.
Thêm một trường hợp virus Corona ủ bệnh đến 24 ngày
Hãng tin AFP ngày 11-2 dẫn nguồn Bộ Y tế Nhật cho biết một trong hai người đàn ông được di tản khỏi Vũ Hán hôm 29-1 đã xác nhận nhiễm virus COVID-19 dù trước đó đã hai lần xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Người đàn ông còn lại ban đầu đã xét nghiệm âm tính với virus nhưng rồi cũng được xác nhận lây nhiễm sau xét nghiệm lại lần hai vào ngày 10-2.
Trước đó, WHO thông tin thời gian ủ bệnh tối đa của COVID-19 là 14 ngày.
Hiện ở Nhật có 163 người bị xác định nhiễm virus COVID-19 (bao gồm cả hành khách trên du thuyền Diamond Princess). Chính quyền Nhật đã đưa những người bị bệnh đến cơ sở y tế trên bờ, bất chấp việc giữ virus tránh lây lan trên đất liền là một thách thức rất lớn.