Tình hình dịch COVID-19 tính đến trưa 20-2

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận tính đến 1 giờ trưa 20-2, có 2.126 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 75.725 ca nhiễm. Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca lây nhiễm tăng gần 403 người. 

Số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục đến nay đã lên đến 10 ca, với một trường hợp ở Philippines vào ngày 2-2, một ở Đài Loan vào ngày 4-2, một ở Nhật vào ngày 13-2, một ở Pháp vào ngày 15-2, hai ở Hong Kong vào ngày 16-2 và 19-2, hai ở Iran và hai trên tàu Diamond Princess đều vào ngày 20-2. 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 16.233 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 1.781 người so với sáng cùng ngày. 

Các nhân viên y tế tiến hành khử trùng đường phố tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc (Ảnh chụp ngày 18-2). Ảnh: AFP

Chuyên gia Trung Quốc: COVID-19 có thể tồn tại lâu dài như bệnh cúm

Chủ tịch Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc Vương Thần hôm 20-2 nhận định dù tỉ lệ ca nhiễm mới và tử vong do dịch virus COVID-19 ở đại lục gần đây đã giảm, thế giới nên chuẩn bị cho khả năng bệnh viêm đường hô hấp cấp sẽ không biến mất mà tồn tại lâu dài như bệnh cúm, theo đài CCTV.

Theo ông Vương, giới khoa học sẽ phải sẵn sàng nỗ lực nghiên cứu về COVID-19 trong thời gian dài và giúp đưa ra các chiến lược lâm sàng. “Chìa khóa để kiềm chế bệnh dịch nên là trong nghiên cứu khoa học” - ông Vương nhấn mạnh. 

Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng phát hiện chủng Corona mới hoạt động giống bệnh cúm hơn là các loại virus Corona cùng chủng với nó. Điều này cho thấy COVID-19 có thể dễ lây lan hơn so với dự đoán. 

Một nghiên cứu khác đăng trên chuyên san y học New England Journal of Medicine của y bác sĩ tỉnh Quảng Đông cho thấy virus vẫn tồn tại và có khả năng lây sang người khác ngay cả khi bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng gì bên ngoài. 

Số ca lây nhiễm ở Hàn Quốc tăng kỷ lục

Hãng tin Yonhap ngày 20-2 dẫn nguồn giới chức y tế Hàn Quốc cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới. 

Đây là mức tăng mạnh nhất ở Hàn Quốc từ đầu dịch, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 82.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đa số các trường hợp nhiễm mới đều ở TP Daegu với 30 trường hợp. Trong số này, có 23 người được cho là có liên hệ tới người phụ nữ 61 tuổi đã được xác nhận nhiễm COVID-19 hôm 18-2.

KCDC cho biết bệnh nhân này có thể đã tiếp xúc với gần 166 người khác, những người này đều đang tự cách ly. "Chúng tôi tin rằng có nhiều trường hợp tiếp xúc gần gũi tại nhà thờ và đang lên kế hoạch xét nghiệm toàn bộ những người đã đến nhà thờ" - Giám đốc KCDC Jung Eun-kyeong khẳng định. 

Dù vậy, nhà chức trách Hàn Quốc cũng cho hay hiện chưa rõ cá nhân nào đã lây nhiễm virus cho người phụ nữ trên ở Daegu. Trong thông báo đưa ra ngày 19-2, cơ quan y tế Hàn Quốc tuyên bố không có ý định phong tỏa Daegu do tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thêm một lãnh đạo bệnh viện ở Vũ Hán nguy kịch vì COVID-19

Tân Hoa Xã ngày 20-2 đưa tin Phó Giám đốc Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán kiêm Giám đốc Bệnh viện số 8 Vũ Hán - bà Vương Bình đã được xác nhận lây nhiễm virus COVID-19 và đang được điều trị tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm. Được biết, chuyên gia này đã tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch từ những ngày đầu bùng phát virus.  

Một bài viết được chia sẻ trên mạng đã kêu gọi giúp đỡ bác sĩ Vương bằng cách hiến máu để điều trị bằng huyết tương. Không lâu sau đó, người phát ngôn của Bệnh viện số 8 Vũ Hán cho biết Bệnh viện Kim Ngân Đàm tìm được huyết tương phù hợp.

Hiện cả hai bệnh viện trên đều chưa đưa ra tuyên bố chính thức về tình trạng của bác sĩ Vương.

Thông tin bác sĩ Vương nguy kịch được đưa ra không lâu sau cái chết của bác sĩ Lưu Trí Minh - Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở TP Vũ Hán. Ông nhiễm bệnh và qua đời vào sáng 18-2, thọ 51 tuổi.

Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở châu Phi âm tính

Trong thông báo được phát đi hôm 19-2 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã tiến hành tới 6 lần xét nghiệm du khách Trung Quốc từng bị nghi nhiễm COVID-19 và các kết quả đều xác nhận âm tính. 

"Người bị nghi nhiễm không có biểu hiện, triệu chứng của việc nhiễm bệnh trong suốt thời gian cách ly" - thông báo cho biết thêm. Hiện danh tính và quốc tịch người này vẫn được giữ kín, hãng tin Reuters cho hay.

Theo WHO, Ai Cập, Algeria và Nam Phi là những quốc gia châu Phi có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao nhất do có số người đi lại và làm ăn với Trung Quốc quá cao. 

Trước nguy cơ mới, nhiều nước châu Phi đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Các biện pháp này bao gồm kiểm tra nhiệt độ tại các khu vực nhập cảnh, các cảnh báo tránh du lịch đến Trung Quốc và cải thiện thông tin y tế cung cấp cho các chuyên gia y tế và người dân.

WHO cũng khẳng định một số quốc gia ở châu lục này sẽ cần hỗ trợ khẩn cấp nếu phát ra các trường hợp nhiễm COVID-19 là Nigeria, Ethiopia, Sudan, Angola, Tanzania, Ghana và Kenya do khó khăn về tài chính và hệ thống y tế chưa đạt chuẩn. 

3 lý do dịch COVID-19 khiến Trung Quốc thiệt hại nặng
3 lý do dịch COVID-19 khiến Trung Quốc thiệt hại nặng
(PL)- Bên cạnh mức độ nguy hiểm của virus và tốc độ lây lan, bản thân Trung Quốc trước đó tiềm ẩn nhiều vấn đề trong nội bộ hệ thống và nay đã bộc lộ trước tình trạng khủng hoảng đang nhen nhóm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm