Sau 4 tuần, cuộc đàm phán thành lập “Liên minh Jamaica” cầm quyền chính phủ mới ở Đức đi vào bế tắc. Thủ tướng Angela Merkel giờ đối mặt với viễn cảnh hoặc chấp nhận một chính phủ thiểu số, hoặc bầu cử sớm. Chính trị nước Đức đang đối mặt với một tình huống bế tắc chưa từng xảy ra trong gần 70 năm qua, sau chiến tranh Thế giới thứ hai, theo Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeier.
Có 4 bên tham gia đàm phán thành lập Liên minh Jamaica, gồm đảng trung hữu Dân chủ Ki tô giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel và đảng đồng minh Bavarian, đảng Liên đoàn Xã hội Ki tô giáo (CSU), đảng Xanh, và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Cuộc đàm phán đi vào bế tắc sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi bàn đàm phán vào tối 19-11.
Về lý thuyết, hai đảng CDU, CSU vẫn có thể cùng liên minh với đảng Xanh để thành lập một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã nói rõ bà không có ý định dẫn dắt một chính phủ thiểu số.
Thủ tướng Merkel đang đối mặt thách thức trong thành lập liên minh. Ảnh: DW
“Tôi không muốn nghĩ về chính phủ thiểu số... Đức cần một chính phủ ổn định. Mục tiêu của tôi vẫn là xây dựng một chính phủ ổn định” - Thủ tướng Merkel khẳng định, cho biết chủ trương của bà là tổ chức bầu cử sớm.
Lời bà Merkel không có nghĩa Đức sẽ chỉ còn con đường bầu cử sớm. Trong ngày 20-11, Tổng thống Steinmeier đã có cuộc gặp với Thủ tướng Merkel bàn cách tháo gỡ bế tắc. Tới đây Tổng thống Steinmeier sẽ tiếp cận các đảng khác trong nỗ lực xây dựng liên minh cầm quyền.
Tổng thống Steinmeier dự kiến sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo các đảng CSU, FDP, đảng Xanh, và đảng Xã hội Dân chủ (SPD) để bàn thành lập liên minh. Tuy nhiên hy vọng không nhiều khi đảng SPD đã bác bỏ khả năng liên minh với các đảng CDU, CSU.
Lãnh đạo đảng SPD Schulz khẳng định không liên minh với Thủ tướng Merkel. Ảnh: DPA
Đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa hoài nghi -về thứ ba trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức tháng 9 vừa rồi – cũng bác khả năng tham gia liên minh cầm quyền. Lãnh đạo đảng AfD Alexander Gauland còn đề nghị Thủ tướng Merkel từ chức.
Đảng AfD tin mình sẽ có lợi thế hơn nếu bầu cử sớm. Ảnh: DW
Theo các cuộc thăm dò, kết quả của một cuộc bầu cử mới nữa cũng sẽ không khác mấy kết quả cuộc bầu cử tháng 9 vừa rồi.
Một số nước châu Âu đã có phản ứng trước diễn biến chính trị ở Đức. Hà Lan không ủng hộ bầu cử sớm, đề nghị Đức thêm thời gian đàm phán. Nga mong muốn Đức thành lập chính phủ “càng sớm càng tốt”, nhưng sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Đức.