Tổng Thư ký NATO kêu gọi Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine

(PLO)- Viện dẫn các nước đồng minh NATO đã thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg kêu gọi Hàn Quốc làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg đã đề nghị Seoul xem xét lại quy định không xuất khẩu vũ khí sang các nước đang có xung đột để có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại Nga, đài CNN đưa tin ngày 30-1.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: NATO

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: NATO

Kêu gọi Hàn Quốc thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí

Phát biểu tại Viện nghiên cứu cao cấp Chey ở Seoul, ông Stoltenberg cảm ơn Hàn Quốc đã viện trợ quân sự phi sát thương cho Kiev, song kêu gọi nước này làm nhiều hơn nữa trong bối cảnh “nhu cầu cấp bách” về đạn dược tại Ukraine.

“Tôi kêu gọi Hàn Quốc tiếp tục và đẩy mạnh vấn đề hỗ trợ quân sự cụ thể. Một số đồng minh NATO từng có chính sách không bao giờ xuất khẩu vũ khí sang các nước có xung đột, nay đã thay đổi chính sách đó” - ông Stoltenberg nói.

Các quốc gia mà ông Stoltenberg nhắc đến ở trên bao gồm hai thành viên NATO là Đức, Na Uy và quốc gia đang nộp đơn gia nhập NATO là Thụy Điển.

Tổng Thư ký Stoltenberg giải thích rằng sở dĩ có sự thay đổi chính sách xuất khẩu vũ khí ở các nước kể trên là do họ nhận ra cách duy nhất để giúp Ukraine chiến thắng và tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình kéo dài trong khu vực là viện trợ quân sự cho Kiev.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Yonhap ngày 30-1 dẫn lời thư ký báo chí của tổng thống Hàn Quốc - bà Kim Eun-hye chỉ nói rằng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gặp ông Stoltenberg và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, song không nêu rõ sự hỗ trợ đó là gì.

"Tổng thống Yoon cho biết ông sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các vai trò có thể để hợp tác với cộng đồng quốc tế giúp người dân Ukraine” - bà Kim cho hay.

Liệu có dễ để Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine?

Các chuyên gia nhận định xe tăng chủ lực K2 Panther của Hàn Quốc thuộc nhóm xe tăng tốt nhất trên thế giới và có thể hữu dụng khi đưa tới chiến trường Ukraine, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây cam kết gửi xe tăng chiến đấu cho Kiev. Đại sứ Ukraine tại Pháp - ông Vadym Omelchenko ngày 27-1 ước tính Kiev sắp nhận được 321 xe tăng.

Các chuyên gia nhận định xe tăng chủ lực K2 Panther của Hàn Quốc thuộc nhóm xe tăng tốt nhất trên thế giới. Ảnh: Josh Smith/REUTERS

Các chuyên gia nhận định xe tăng chủ lực K2 Panther của Hàn Quốc thuộc nhóm xe tăng tốt nhất trên thế giới. Ảnh: Josh Smith/REUTERS

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng bổ, Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận cung cấp hàng trăm xe tăng, máy bay quân sự và các loại vũ khí khác cho thành viên NATO là Ba Lan. Tuy nhiên Tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng luật nước này cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột, dẫn tới việc viện trợ vũ khí cho Kiev trở nên khó khăn, theo hãng Reuters.

Cụ thể, đạo luật Ngoại thương của nước này quy định hàng xuất khẩu chỉ có thể sử dụng cho “mục đích hòa bình” và “sẽ không ảnh hưởng đến hòa bình quốc tế, duy trì an toàn và an ninh quốc gia". Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là một bên tham gia ký kết Hiệp ước Buôn bán Vũ khí của Liên Hợp Quốc, được phê chuẩn vào năm 2014, với mục đích kiểm soát chặt chẽ việc ai nhận vũ khí và các điều kiện sử dụng vũ khí.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc không có vai trò trong cuộc chiến ở Ukraine. Đơn cử, vào tháng 12-2022, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với đài CNN rằng Washington dự tính mua 100.000 viên đạn pháo từ các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc để cung cấp cho Ukraine. Các lô hàng trên sẽ được chuyển đến Ukraine qua Mỹ nên cho phép Seoul vẫn giữ đúng cam kết không viện trợ vũ khí sát thương cho quốc gia đang có xung đột.

Ngoài ra, Ba Lan - một trong những quốc gia ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine, cũng có thể tận dụng các thỏa thuận ký với Hàn Quốc để thay thế nhiều loại vũ khí mà Warsaw đã viện trợ cho Kiev.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm