TP.HCM: Cải thiện môi trường đầu tư, trấn áp mạnh tội phạm

Sáng 8-12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX đã diễn ra phiên chất vấn đối với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác điều hành UBND TP trong năm.

Cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi bức thiết

Đề cập đến môi trường đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng mặc dù thời gian qua TP đã có nhiều giải pháp quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư nhưng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại giảm. “Vậy chính quyền TP có những giải pháp đột phá gì để đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư?” - bà Trâm đặt câu hỏi.

TP.HCM: Cải thiện môi trường đầu tư, trấn áp mạnh tội phạm ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn của các đại biểu sáng 8-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Hiện nay, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội thì đầu tư công chỉ chiếm 13%, còn lại là đầu tư nước ngoài và tư nhân. Trong đó, riêng đầu tư từ doanh nghiệp (DN) tư nhân chiếm khoảng 70% và DN FDI chiếm phần còn lại.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho hay đến giờ này đầu tư từ các dự án FDI đang giảm 51%. Có 1.300 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, song mỗi dự án chỉ có quy mô hơn nửa triệu USD. “Quy mô quá nhỏ, chưa có dự án nào lớn cả. Hiện nay, đang có dòng dịch chuyển đầu tư từ các nước nhìn ngắm vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi bức thiết với TP chúng ta” - ông Phong nói.

Do đó, ông Phong cho biết song song với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì TP phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, có như vậy mới thu hút được nguồn lực từ trong dân, DN và đầu tư nước ngoài. Năm 2021, TP xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, ông Phong cho biết trong năm 2021, TP sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN. “Nếu nơi nào có DN phản ánh còn phiền hà thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cao nhất là cá nhân chủ tịch UBND TP phải chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc cải thiện môi trường đầu tư” - ông Phong nói.

Ngoài ra, TP sẽ tăng cường cải cách hành chính, tăng tỉ lệ giải quyết hồ sơ. Đồng thời rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. TP cũng xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới.

Riêng về chỉ số PCI của TP giai đoạn 2016-2019 giảm, ông Phong khẳng định có sự cải thiện tốt nhưng các địa phương khác có sự cải thiện tốt hơn, do vậy mà tụt hạng. Điều đó cho thấy nỗ lực cải thiện của TP là chưa đạt. “TP thẳng thắn nhìn nhận và tiếp tục nỗ lực cải thiện chỉ số này” - ông Phong nói.

Dự toán thu ngân sách năm 2021 giảm 10%

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách TP.HCM năm 2021.

Theo đó, dự toán tổng thu ngân sách nhà nước TP.HCM năm 2021 là 364.893 tỉ đồng, giảm 10% so với dự toán năm 2020.

Dự toán tổng thu ngân sách địa phương là 82.129 tỉ đồng, tổng chi 97.002 tỉ đồng. Bội chi ngân sách địa phương là 14.873 tỉ đồng.

4.000 tỉ đồng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Liên quan đến các câu hỏi về hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ đây đến năm 2021, TP xác định phải xem kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, gắn với nhiệm vụ kép. Trong đó kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, không khoán trắng cho cấp phó. Kiên trì nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế

Về hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch, ông Nguyễn Thành Phong cho biết vừa qua TP đã có gói hỗ trợ lần 1, giải quyết cho 100% DN với số tiền 611 tỉ đồng. Cùng đó là xử lý gia hạn hơn 8.800 tỉ đồng tiền thuế cho DN và hơn 218 tỉ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

Không dừng lại ở đó, TP đã chủ động nghiên cứu gói hỗ trợ cho DN lần thứ hai với hơn 4.000 tỉ đồng. Theo đó, TP dự kiến hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% cho DN còn khó khăn trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm và các DN có doanh thu sụt giảm lớn. Đồng thời sẽ cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi phí.

Đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời việc hỗ trợ, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là người yếu thế, người lao động bị mất hợp đồng, người khó khăn.

TP.HCM: Cải thiện môi trường đầu tư, trấn áp mạnh tội phạm ảnh 2
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TÁ LÂM

Không để cán bộ dung túng, tiếp tay tội phạm

Quan tâm đến tệ nạn xã hội, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết hiện nay cử tri mong muốn lãnh đạo TP cần mạnh tay hơn nữa để kéo giảm tội phạm, đặc biệt là tội phạm cho vay lãi nặng, bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê và tội phạm mua bán sử dụng ma túy.

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định công tác giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có vai trò rất quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của TP. “TP.HCM bình yên thì nhà đầu tư mới bỏ tiền ra đầu tư” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, thời gian qua tình hình an ninh trật tự ở TP có chiều hướng phức tạp. Lợi dụng dịch bệnh xuất hiện, các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản gia tăng, tội phạm ma túy tiềm ẩn phức tạp, tội phạm tín dụng đen còn xảy ra nhiều gây phiền hà cho dân.

Điểm lại việc triệt phá hàng loạt vụ vận chuyển ma túy lớn, ông Nguyễn Thành Phong cho hay với sự chỉ đạo thường xuyên, Công an TP.HCM đã ra quân trấn áp tội phạm. Từ đó, phạm pháp hình sự được kéo giảm so với cùng kỳ. “Đây là năm thứ sáu liên tiếp phạm pháp hình sự được kéo giảm” - ông Phong nói và cho biết thêm dự báo năm 2021 tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP còn tiềm ẩn phức tạp.

Từ đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết trong năm sau TP sẽ tập trung hàng loạt giải pháp như: Kiện toàn, nâng cao Ban chỉ đạo 138; tăng cường kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu các cấp, chính quyền cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

“Không để tình trạng thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng và tiếp tay cho tội phạm” - ông Phong nói và cho biết TP sẽ triệt phá đường dây vận chuyển mua bán ma túy, không để hình thành tụ điểm phức tạp. Đấu tranh hiệu quả tội phạm công nghệ cao; chuyển hóa địa bàn phức tạp, giáp ranh.

Về nhiệm vụ trước mắt, TP.HCM sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đảm bảo an ninh trật tự để cho người dân vui xuân đón tết Nguyên đán và các sự kiện chính trị lớn khác…

Tập trung đầu tư các dự án vành đai, metro

Liên quan các công trình giao thông trọng điểm bị chậm trễ mà các đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua TP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm.

Trong thời gian tới, ông Phong cho biết TP sẽ chỉ đạo sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các công trình, tránh đội vốn do triển khai chậm. TP cũng yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo quận/huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án…

Cùng với đó, TP xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư các dự án khép kín vành đai 2, vành đai 3, các dự án metro, kết nối cảng Cát Lái… Đáng chú ý, năm 2021 TP.HCM sẽ vận hành tuyến metro 1 và hoàn tất giải phóng mặt bằng metro 2 trong tháng 6-2021. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm