TP.HCM lấy ý kiến các cơ quan Quốc hội về 3 đề án quan trọng
Sáng 29-7, tại Hà Nội, Thành ủy - UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho 3 đề án của TP.HCM.
Ba đề án này gồm: Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM; không tổ chức HĐND quận, phường tại TP và đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết ba đề án được chuẩn bị theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Theo ông Nhân, trước hội nghị này, Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương và đã có tiếp thu bước đầu. TP sẽ tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan Quốc hội, các bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ... trước khi hoàn thiện để tháng 8 tới đây trình Bộ Chính trị.
Một đồng vốn để lại cho TP sẽ tạo ra 10-14 lần cho đầu tư xã hội
Về đề án “tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.
Theo lý giải của TP.HCM, mặc dù năng suất lao động của TP cao nhất và hơn 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước nhưng để đầu tư, phát triển trong bối cảnh mới, TP cần nhiều nguồn vốn hơn nữa.
Tuy nhiên, tỉ lệ điều tiết cho ngân sách cho TP giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách: Giai đoạn 2000 - 2003 là 33%; giai đoạn 2004 - 2006 là 29%; giai đoạn 2007 - 2010 là 26%; giai đoạn 2011 - 2016 là 23% và đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021 chỉ còn 18%.
Như thế, mỗi năm TP bị cắt giảm bình quân khoảng 9.000 tỉ đồng. Từ đó có thể thấy mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng số thu ngân sách TP được hưởng chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 5% tổng chi cả nước. Trong khi kinh tế TP chiếm tỉ trọng 24% GDP cả nước, dân số chiếm 9,2% dân số cả nước.
Từ việc tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP giảm mạnh dẫn đến việc cân đối ngân sách của TP cho đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngày càng trở nên khó khăn khi bước vào thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025. Nhiều thách thức gia tăng về xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sự không bền vững về lao động, dân số, tài chính địa phương và việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM.
Do đó, để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, cần có cơ chế tài chính công phù hợp. Bên cạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư thì việc Trung ương xác định tỉ lệ điều tiết số thu cho ngân sách TP phù hợp, ổn định áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách sẽ tạo thuận lợi cho TP phát triển vì cả nước trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách cả nước, thực hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng từ lâu TP.HCM với sự nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội… đã luôn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tăng trưởng liên tục và giữ được tỉ lệ đóng góp ngân sách cho Trung ương.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, TP còn thiếu vượt trội, trong đó có nguyên nhân là do cách quản lý chưa tốt của TP, phát huy thế mạnh của con người, hợp tác phát triển còn hạn chế, đầu tư chưa cao. TP vẫn cần có những đột phá để phát triển hơn, nhất là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thu hút các tập đoàn nước ngoài lớn…
“TP luôn day dứt một vấn đề, nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phát triển bền vững thì phải thế nào. Nếu tỉ lệ để lại tăng mà TP đóng góp cho Trung ương tăng thì mới là bền vững”- ông Nhân nói.
Ông Nhân phân tích: Một đồng vốn để lại cho TP thì tạo ra 10-14 lần cho đầu tư xã hội, số này sẽ rơi vào nền kinh tế vì năng suất lao động của TP cao gấp khoảng 2,7 đến 2,9 lần cả nước. Lao động TP cũng tăng nhanh, sau năm năm sẽ tăng nửa triệu lao động, nên một đồng để lại sẽ tạo GDP tăng cao hơn, thu ngân sách lớn hơn.
“Tức là TP tăng mà Trung ương cũng tăng, để lại là để tăng lên”- ông Nhân nói và cho biết đề án kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 18% hiện tại lên 23%, trở lại chu kỳ điều tiết ngân sách cũ.
Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM sẽ tạo nên vùng tăng trưởng mới cho TP.HCM. Trong ảnh: Đường xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 9 và Thủ Đức hướng về trung tâm TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lập TP Thủ Đức tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM
Đối với đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đề án này sẽ hình thành vùng động lực cho TP phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của TP.
Theo ông Nhân, việc thành lập TP Thủ Đức với diện tích lớn hơn cả 13 quận khác cộng lại, dân số hơn 1 triệu người, dự báo trước năm 2030 sẽ hơn 2 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM.
TP Thủ Đức được thành lập dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư phát triển đáp ứng tiêu chí của một đô thị, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và nhu cầu phát triển hiện nay.
Vì vậy, TP kiến nghị Trung ương chấp thuận cho TP sắp xếp ba quận trở thành TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TP.HCM. Mô hình tổ chức chính quyền ở cấp huyện của TP Thủ Đức gồm có HĐND và UBND; ở cấp xã chỉ có UBND phường, không tổ chức HĐND phường.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng, ba quận phía đông của TP.HCM được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một vùng tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Do đó, việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô lớn như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM, liên kết, hỗ trợ các đô thị trong vùng và cả nước nói chung cùng phát triển. Đó là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Về đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn, TP.HCM xin không làm thí điểm như Hà Nội và Đà Nẵng mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tức là kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP từ 1-7-2021.
Bởi, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường thì TP đã làm từ 7 năm trước, kết quả đã phát huy tính dân chủ rất tốt.