TP.HCM: Phương tiện tăng, kẹt xe không giảm

(PLO)- TP.HCM đang quản lý 9,2 triệu phương tiện cá nhân, tăng liên tục qua các năm khiến áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày càng lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Sở GTVT TP.HCM, cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới về đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP với mục đích hạn chế xe cá nhân.

Phương tiện tăng quá mạnh

Trong văn bản trả lời cử tri mới nhất của Sở GTVT TP.HCM đầu tháng 12, tính đến tháng 11-2023, mật độ đường giao thông trên địa bàn TP là 2,34 km/km2 (theo quy định phải đạt 10-13,3 km/km2); diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04% (theo quy định phải đạt 24%-26%).

TP đang quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó riêng ô tô, TP đang quản lý gần 934.500 xe và mô tô là gần 8,3 triệu xe.

“Với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, vượt năng lực thông hành” - Sở GTVT thẳng thắn nhìn nhận.

Cảnh kẹt xe, phương tiện xếp hàng dài diễn ra hàng ngày
Cảnh kẹt xe kéo dài thường xuyên diễn ra trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Ảnh: K.CƯỜNG

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM, vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường huyết mạch tại TP đều bị ùn tắc. Trong đó, nặng nhất là những tuyến đường như Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua Bến xe An Sương)…

Trên các tuyến đường này, phương tiện xe cộ di chuyển chậm chạp, ùn ứ kéo dài nhiều cây số, người tham gia giao thông phải mất hàng giờ đồng hồ mới di chuyển được một đoạn ngắn, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, cuộc sống của người dân bị cản trở.

Ông Trần Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, nêu ý kiến: “Kẹt xe diễn ra liên tục. TP cần tập trung nghiên cứu giải tỏa một số tuyến đường bị ách tác kéo dài nhiều năm như Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Văn Trị... để việc lưu thông, giao thương hàng hóa thuận lợi, hiệu quả hơn. Cùng với đó là phát triển giao thông đường sông để giảm thiểu kẹt xe”.

Hai phương án đều giậm chân tại chỗ

Để hạn chế xe cá nhân, tháng 10-2020, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn.

Trong đó, nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông bao gồm giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP; phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường, kiểm soát hoạt động của mô tô và xe máy 2-3 bánh.

Về giải pháp thứ nhất, từ năm 2020, Sở GTVT đã xây dựng đề án về thu phí ô tô vào nội đô dựa trên nghiên cứu trước đây của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (nghiên cứu từ năm 2009).

Theo đó, TP sẽ xây các cổng thu phí bao quanh khu vực hai quận 1, 3 và giáp ranh hai quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng. Dự kiến sẽ có 34 cổng thu phí được xây dựng.

Với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, vượt năng lực thông hành.

TP sẽ thu phí vào giờ cao điểm 6-9 giờ và 16-19 giờ. Toàn bộ tiền thu phí sẽ dành cho quỹ hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, số phận đề án này vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có tiến triển.

Ngày 8-12, trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, cho biết đến nay đề án này vẫn chưa biết có triển khai hay không. Trong khi đó, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cũng xác nhận hiện chưa có thông tin gì mới liên quan đến đề án này.

Về giải pháp thứ hai, đầu năm 2021, Viện Môi trường - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT phối hợp cùng Sở GTVT TP xây dựng phương án kiểm soát khí thải hỗn hợp theo khu vực và năm sử dụng của xe. Trước tiên sẽ kiểm soát từ khu vực trung tâm, sau đó tiến tới toàn TP, áp dụng với xe từ năm năm sử dụng trở lên.

Giai đoạn đầu, TP sẽ tổ chức 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu, thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải toàn bộ xe lưu hành để lập cơ sở dữ liệu với mức phí 50.000 đồng/xe/năm.

Khu vực các quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải mức 2 được lưu hành. Xe vi phạm, không đạt chỉ tiêu bị phạt hành chính cho lưu thông. Giai đoạn tiếp theo mở rộng ra xây dựng thêm 78 trạm, quy mô toàn TP. Hiện tại, đề án này cũng chưa được thực hiện.

Để có thể từng bước kiểm soát khí thải xe máy, hồi tháng 8, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin TP dự kiến sẽ hỗ trợ người dân đổi xe máy điện vào quý I-2024 và tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP lập đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, tham mưu các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe máy điện...•

Theo lộ trình đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP (năm 2020), về kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân: Nghiên cứu và tổ chức triển khai dự án đầu tư hệ thống thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP (2021-2025); nghiên cứu phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường (2021-2030).

Kiểm soát hoạt động của mô tô và xe máy 2-3 bánh theo lộ trình phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng (2021-2030).

Đề án cũng dự kiến phương tiện cá nhân đến năm 2025 là 7,4 triệu mô tô và gần 500.000 ô tô con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm