Để khắc phục tình trạng mùi hôi bốc lên từ miệng hố ga thu nước trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đã lắp đặt thí điểm hố ga thông minh trên ba tuyến đường thường xuyên bị ngập và nhiều rác tồn đọng là: Đường Trương Định (quận 1-3), đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), đường Vĩnh Khánh (quận 4).
Nhiều người dân ủng hộ
Theo khảo sát của PV, việc lắp các hố ga thông minh này được nhiều người dân ở các tuyến đường thí điểm đồng tình, ủng hộ. Chị Tường Vy, bán hoa tươi ở số 30, Lê Văn Thọ, phường 8, quận Gò Vấp, cho biết: “Phải nói là sau khi lắp hố ga mới, tôi mới thấy cuộc sống dễ thở hơn theo đúng nghĩa đen, vì không còn phải chịu đựng khi hít mùi hôi bốc lên từ cống thải hằng ngày. Trước đây tôi phải lấy tấm đan lấp miệng cống lại, rất khó chịu, khách hàng đứng chọn hoa cũng khổ sở như tôi”.
Theo chị Vy, sau khi lắp hố ga thông minh, mùi hôi không còn, rác được ngăn lại khiến việc thoát nước cũng nhanh hơn. “Điều làm tôi hài lòng là lâu lâu lại có các nhân viên thoát nước xuống mở nắp hố ga và vệ sinh rác khiến miệng cống sạch sẽ hơn trước nhiều” - chị Vy nói.
Tương tự, đường Vĩnh Khánh, quận 4 vốn trước đây thường có nhiều miệng cống ẩm thấp, rác thải tồn đọng nên bốc mùi hôi rất khó chịu. Từ khi hố ga thông minh được lắp thí điểm, người dân kinh doanh ở mặt tiền đường này phấn khởi hơn hẳn.
Anh Tài, chủ cửa hàng rửa xe Phát Tài trên đường này chia sẻ: Khi có hố ga mới, mùi hôi cũng đã bớt hẳn. Trước đây khách hàng ngồi chờ rửa xe hay phàn nàn về mùi hôi ở cống bốc lên đến mức nhức cả đầu thì giờ không thấy khách hàng phản ánh gì nữa.
Công nhân lắp đặt thí điểm hố ga thông minh trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Tôi có nghe nói chỉ thí điểm mấy tuyến đường, may là làm ở ngay con đường nhà mình. Nói thật là đỡ bốc mùi nhiều lắm! Chứ anh cứ nghĩ xem, ngày nào cũng phải chịu đựng mùi thối xộc lên từ cống có khi bị say rồi đổ bệnh luôn. Nhất là những ngày có triều cường!” - anh Tài nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Phi, bán nước lề đường ở số 24 Trương Định, quận 3, đánh giá hố ga mới ngoài chức năng thu nước, ngăn mùi hôi tốt hơn thì ở khía cạnh khác còn có thể tăng ý thức người dân về việc không xả rác bừa bãi. Bởi trên mỗi miệng hố ga mới này đều có dòng chữ làm nổi màu vàng rất đẹp với thông điệp: “Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước”.
“Trước đây, hố ga cũ có miệng lớn, người đi đường thường tiện tay quăng đại rác vào cống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tắc cống. Còn với thiết kế hố ga thông minh mới cùng thông điệp tuyên truyền, họ có định vứt rác cũng phải suy nghĩ lại hành động của mình chứ” - anh Phi nhận định.
Sẽ triển khai trên diện rộng
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, cho biết: “Sau thí điểm được người dân đón nhận, ủng hộ. Đồng thời được các cơ quan chức năng đánh giá là thành công, chúng tôi đang làm thủ tục như thuê đơn vị xây dựng đơn mức định giá, sau đó sẽ triển khai trên diện rộng”.
“Vì thiết kế kỹ thuật của hố ga thông minh vừa có thể thu nước dạng đứng và nằm nên dù có rác ở miệng cống vẫn có thể thu nước bình thường. Mặt khác, miệng hố ga thông minh có diện tích thu nước gấp ba lần so với miệng hố ga cũ nên giúp thoát nước trên đường và giảm ngập cục bộ nhanh hơn” - ông Bùi Văn Trường. |
Theo ông Trường, chi phí hiện nay lắp đặt cho một hố ga thông minh (bao gồm cả chi phí thi công) là tầm khoảng 15-16 triệu đồng. Chi phí lắp đặt thí điểm ở 338 vị trí do phía công ty và doanh nghiệp ứng trước, sau đó sẽ được TP thanh toán lại. “Hiện đơn vị đã trình đơn giá định mức cho Sở GTVT (đơn vị được giao chủ trì). Nếu được duyệt thì dự kiến sẽ triển khai trước tháng 5-2019 với 3.000 hố ga được lắp đặt trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM” - ông Trường nói.
Ông Trường thông tin thêm, theo thống kê toàn TP hiện có đến khoảng 30.000 hố ga có miệng thu nên sắp tới 3.000 vị trí lắp hố ga thông minh sẽ được ưu tiên chọn những tuyến hay ngập nước và nhiều rác.
Về ưu điểm, ông Trường đánh giá hố ga thông minh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thoát nước và ngăn mùi hôi. Về mặt kỹ thuật, nó khắc phục được các nhược điểm đang tồn tại ở hố ga truyền thống. Vì vậy, vấn đề tiếp theo chỉ là các thủ tục mà UBND TP.HCM yêu cầu như đơn giá định mức để tiến hành làm đại trà trong thời gian sắp tới.
Nói về tuổi thọ của hố ga mới, ông Trường cho biết phần bê tông cốt thép có tuổi thọ khoảng 20-30 năm, còn gang thép phía miệng hố có tuổi thọ khá bền bỉ, lên tới cả trăm năm. Do đó, chi phí lắp đặt cũng sẽ cao hơn so với dạng hố ga đang sử dụng ở các tuyến đường hiện nay.
Chặn rác, đá và ngăn mùi hôi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đã lắp đặt 338 hố ga thông minh thí điểm ba tuyến đường hơn một năm nay (từ tháng 7-2017). Hố ga mới có chức năng thu nước nhằm giảm ngập, chặn rác và đất đá chảy vào lòng cống, ngăn mùi hôi, sinh vật trong lòng cống thoát ra mặt đường bằng hệ thống van một chiều (nước chảy vào và không tràn ra). Lưới chắn rác được thiết kế với mái dốc, đảm bảo ATGT, hạn chế việc người dân tự ý làm đường dẫn xe từ lòng đường lên vỉa hè, gây cản trở thoát nước theo rãnh dọc. Thống kê toàn địa bàn TP.HCM chỉ có 40% tuyến đường có cống thoát nước, còn lại 60% đường chưa có cống. Mỗi ngày TP có khoảng 2.500 tấn rác được thải ra môi trường, nhiều trong số đó trôi xuống hệ thống thoát nước. |